570 ngày trong ngục tù cướp biển
Ở nơi địa ngục đó, trẻ con cũng là cướp, tay lăm lăm súng đạn, sẵn sàng bắn giết nếu con tin phản kháng.
Chiều 24/7, đoàn tụ với gia đình tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau 570 ngày trong tay cướp biển Somalia, nhiều thuyền viên không ngăn nổi nước mắt.
Trong số thuyền viên, có một người vẫn giữ nét mặt khá điềm tĩnh, anh không khóc mà chỉ cầm bó hoa đi bên cạnh bố mình. Đó là thuyền viên Trần Minh Trí (ở Quỳnh Lưu - Nghệ An). Chiều nay, đứng chờ anh ở sân bay chỉ có một mình người bố của anh - ông Trần Văn Trương. Mẹ của Trí cũng đi xuất khẩu lao động bên Malaysia, em gái Trí ở lại trông nom cửa nhà.
Chỉ trong một khoảnh khắc bước ra cửa sân bay, người ta thấy Trí ôm lấy bố, khóc nấc lên mấy tiếng, còn ông Trương mấp máy môi nói gì đó với con trai. Rồi hai bố con lặng lẽ bước đi.
Gia đình ông Trần Văn Trương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nghẹn ngào trong niềm vui gặp mặt (Ảnh: 24H Media)
Trong đoạn hội thoại ngắn ngủi với phóng viên, Trí nhớ lại...
Đó là một ngày đông lạnh lẽo, tất cả thuyển viên đang lênh đênh trên biển thả câu. Chợt xuất hiện những chiếc tàu lạ. Khi mọi người còn chưa hiểu chuyện gì thì đã thấy bọn cướp biển Somalia ào ào nhảy xuống tàu rồi dùng súng khống chế.
Họ bị cướp biển bắt đi. Sau một quãng ngày tháng không còn nhớ là bao lâu bị nhốt dưới hầm tàu lênh đênh trên biển, chúng đưa họ đến một nơi như sa mạc. Rồi bọn cướp biển bắt đầu những tháng ngày hành hạ con tin.
"Bọn cướp khôn ngoan lắm! Chúng thường bắt giữ tàu hàng rồi lên đó ẩn nấp. Chúng dùng những con tàu này để nhử các tàu khác. Tưởng là bạn, nhiều tàu không đề phòng nên bị chúng bất ngờ tấn công." - Thuyền viên Nguyễn Thanh Tú ngắt lời.
Tú kể tiếp: Khi cập bến tại một nơi như hoang đảo, chúng bắt bọn em làm nô lệ cho chúng. Bọn em phải khuân vác tất cả hàng hóa trên tàu đi quãng đường dài nặng nhọc không thể tưởng nổi. Rồi những hàng hóa này được để tại nơi như sào huyệt của cướp biển.
"Có những cái máy nặng hàng tấn. Chúng dòng dây bắt bọn em kéo lê trên mặt đất. Các anh nghĩ xem, sức người làm sao kéo nổi. Vậy nhưng vẫn phải kéo. Ai dừng lại hay kêu ca, những tên quản giáo sẽ cầm roi da vụt túi bụi. Đau đớn vô cùng." - Tú kinh hoàng nhớ lại.
Tú tâm sự: Chúng em chẳng biết ngày và đêm là gì, chỉ ngoan ngoãn nghe theo. Sống mà không bằng chết.
Nguyễn Văn Tâm (22 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho hay, Tâm cùng các bạn đã sống những ngày vô vọng, chỉ biết khuân vác, phục dịch. Mỗi ngày chúng cho ăn 2 bát cơm trắng, không thức ăn, mắm muối. Khoảng 10 tháng sau, bọn cướp thay đổi địa điểm liên tục. Nhưng lần này chúng đưa con tin vào rừng.
Cứ thế, bọn cướp trói các thuyền viên lại ở các gốc cây. Chỉ cần ai có ý kiến là chúng lại đánh đập. Đêm xuống muỗi độc tấn công mà không gãi được. Ở đây không ai có cơ hội để phản kháng. Mà nếu ai muốn trốn cũng không biết đi đâu.
Tú cho biết: "Chúng em không chỉ lo sợ trước đòn roi của chúng, mà ở khu rừng đó, thỉnh thoảng còn xuất hiện cả hổ báo. Đành nhắm mắt mặc cho số phận."
Anh Hồ Xuân Hương vui sướng khi gặp người thân (Ảnh: 24H Media)
Giữa vùng hoang mạc gió cát nắng nóng, các thuyền viên xuống sức nhanh chóng vì đói khát. Những lúc đó, bọn cướp mang nước ngọt có mùi phân dê cho họ uống. Nhiều người đổ bệnh khổ sở vô cùng.
Các thuyền viên còn cho hay, ở nơi địa ngục đó "trẻ con cũng là cướp, tay lăm lăm khẩu súng sẵn sàng bắn giết, ra lệnh."
Thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện về bắt người thân phải gửi tiền chuộc. “Có lần chúng bắt gọi điện về để đòi tiền chuộc, chúng trói quặt chân, tay thuyền trưởng rồi siết căng ra. Máu không lưu thông được, dồn ứ lại. Thuyền trưởng phải đập đầu xuống sàn để máu chảy ra."
Rồi một ngày, khi tất cả thuyền viên tưởng như không còn chịu đựng nổi nữa, bỗng xuất hiện một chiếc máy bay trên bầu trời. Chiếc phi cơ rải tiền xuống biển. Bọn cướp liền cho thuyền viên đi dọc bãi biển mấy cây số. Lúc này, các thuyền viên mới biết mình đã được cứu sống.
Chiều qua, khi về đến Việt Nam, tất cả thuyền viên đều đen đúa thảm hại. Nhiều người da loang lổ, xám xịt bởi ghẻ lở, bệnh tật. Họ ôm lấy người thân trong gia đình, ôm lấy đồng đội - những người vừa trải qua bao ngày tháng sóng gió bên mình. Rồi họ lặng lẽ ra về. Người thân đang chờ họ kể cho nghe về cơn ác mộng dài suốt 19 tháng qua.
Các thuyền viên cho hay, họ vẫn chưa tin nổi là mình có ngày được đoàn tụ với gia đình. "Đã bốn hôm nay chúng em không ngủ. Từ khi được giải cứu về, em vẫn thường bị ám ảnh về những ngày tháng đã qua." - Thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1992, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) thảng thốt.
Bà Huyền, mẹ của thuyền viên Hồ Xuân Hương nhẩm tính: "Nó xa nhà gần 3 năm. Rơi vào tay cướp biển đúng 19 tháng, gần 570 ngày".
Cách đây gần 3 năm, vào tháng 9/2009, 12 lao động ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã rời quê đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Nhóm lao động này được bố trí làm việc cùng 13 người Trung Quốc trên tàu đánh cá FV Shiuh Fu N-1. Làm việc trên tàu được hơn một năm, đến ngày 25/12/2010, khi tàu FV Shiuh Fu N-1 đang đánh cá ở vùng biển Ấn Độ Dương thì bị cướp biển Somalia tấn công, bắt cóc. 18 tháng ròng từ ngày bị bắt, 12 thuyền viên Việt Nam chỉ liên lạc về nhà đôi ba lần khi mới bị bắt. Rồi từ đó bặt vô âm tín không có thông tin gì báo về khiến người thân của họ vô cùng hoang mang lo lắng. Cho đến ngày 17/7 vừa qua, toàn bộ 12 thuyền viên Việt Nam cùng 13 thuyền viên Trung Quốc đã được giải cứu thành công. Sau đó, họ được tàu Trung Quốc đưa tới cảng Tanzania và được các công ty phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam mua vé máy bay về nước. |