50.000 tỉ đồng làm 7 dự án nối TP.HCM - miền Tây

TP.HCM kỳ vọng các dự án mang tính kết nối liên vùng sớm được ưu tiên bố trí vốn để thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn 2021-2026, TP.HCM đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều dự án quan trọng trên địa bàn TP. Trong đó, có bảy dự án kết nối với Long An và miền Tây. Theo dự kiến, bảy dự án sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn khoảng 50.000 tỉ đồng.

Vai trò bảy dự án kết nối miền Tây

Sở GTVT TP.HCM cho biết bảy dự án kết nối với Long An và miền Tây có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam.

Đáng chú ý là dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ đường vành đai 3 đến ranh Long An) có tổng số vốn khoảng 14.000 tỉ đồng. Sở GTVT TP.HCM và Long An đã thống nhất sắp tới đường Võ Văn Kiệt sẽ được nghiên cứu nối dài từ TP.HCM đến Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa).

Quốc lộ 1A đoạn kết nối TP.HCM và Long An hiện đã quá tải, nhất là vào các ngày cuối tuần, lễ, tết. Ảnh: LP

Quốc lộ 1A đoạn kết nối TP.HCM và Long An hiện đã quá tải, nhất là vào các ngày cuối tuần, lễ, tết. Ảnh: LP

Tiếp theo là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An), tổng số vốn đầu tư khoảng 13.000 tỉ đồng. Sở GTVT TP đánh giá đây là dự án cần thiết, cấp bách và cần sớm được đầu tư. Bởi đoạn quốc lộ này là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía tây TP, mật độ xe cao và đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc.

Ngoài ra, TP.HCM và Long An cũng sẽ nghiên cứu mở đường mới phía tây bắc với số vốn 7.500 tỉ đồng. Dự án dài khoảng 19,8 km, có điểm đầu tại quốc lộ 1 (quận Bình Tân) và điểm cuối tại đường vành đai 4 gần thị trấn Hậu Nghĩa (Long An). Dự án này có vai trò chia sẻ lượng xe trên đường tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh) và tỉnh lộ 10.

Một dự án khác kết nối tỉnh Long An là đường song hành quốc lộ 50. Dự án có điểm đầu nối với đường Phạm Hùng hiện hữu và điểm cuối kết nối với quốc lộ 50 (huyện Cần Giuộc, Long An).

Tiếp đến là dự án xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn (từ quốc lộ 1A đến đường vành đai 3, huyện Hóc Môn). Tuyến đường dài 8,5 km với kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải về lưu lượng phương tiện, gây ách tắc giao thông.

Cũng ở khu vực tây bắc TP còn có dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã ba Giồng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn với số vốn 3.800 tỉ đồng.

Cuối cùng là dự án xây dựng cầu, đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh, qua quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh). Dự án có vai trò hoàn thiện trục Bắc - Nam để kết nối khu nam với trung tâm TP.

Cần ưu tiên làm ngay các dự án

Sở GTVT TP.HCM cho biết bảy dự án trên cần được ưu tiên làm ngay bởi TP.HCM phát triển bền vững thì giao thông phải đi đầu.

“Khi các dự án mang tính liên kết vùng đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, các dự án còn tạo sức bật để phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - đại diện Sở GTVT TP.HCM nhận định.

Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cũng cho biết: Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cửa ngõ để kết nối miền Tây, cần mở rộng các tuyến quốc lộ, đường kết nối khu vực lân cận. Theo đó, ban sẽ đảm nhận và triển khai dự án đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và cầu Bình Tiên.

Ban giao thông cho biết thêm TP đang tính toán kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, TP cũng nghiên cứu khai thác nguồn lực quỹ đất dọc các tuyến đường chuẩn bị đầu tư để tăng nguồn vốn triển khai các dự án.

UBND huyện Hóc Môn cho biết trong vài năm tới, đường Phan Văn Hớn sẽ có tình trạng quá tải giao thông, ùn tắc thường xuyên. Vì vậy, huyện cũng kỳ vọng sớm làm tuyến song hành đường Phan Văn Hớn thay vì cải tạo, nâng cấp. 

Theo UBND huyện Hóc Môn, đối với dự án xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn, việc giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi và giảm được chi phí bồi thường, tái định cư vì đường đi của tuyến chủ yếu qua khu đất nông nghiệp. Kinh phí đầu tư cũng sẽ giảm đáng kể so với việc nâng cấp, mở rộng.

“Từ đó, phía nam huyện Hóc Môn cũng sẽ hình thành tuyến đường mới, chia sẻ lưu lượng giao thông, giảm tình trạng quá tải cho tuyến đường hiện hữu” - đại diện UBND huyện Hóc Môn cho biết thêm.•

Cần có quy hoạch tổng thể các dự án

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng TP cần có quy hoạch tổng thể các dự án để thấy được mạng lưới kết nối. Đồng thời, mỗi dự án khi TP kêu gọi đầu tư thì cần lập quy hoạch chi tiết, trong đó nên tiến hành giải phóng mặt bằng rộng hơn quỹ đất hai bên đường, đặc biệt là tuyến đường song hành.

“Sau đó, TP tổ chức đấu giá khu đất cho nhà đầu tư. Việc này giúp nhà đầu tư tính toán được lợi nhuận có được, giúp Nhà nước thu được nhiều tiền hơn về cho ngân sách” - ông Sơn góp ý.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng cho rằng TP cần dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các dự án mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm và các tuyến kết nối khu vực tây bắc TP. Đồng thời, TP cũng cần khẩn trương khép kín các hệ thống đường vành đai và các tuyến cao tốc đã quy hoạch.

“Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn. Từ đó, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện” - ông Cương nhận định.

TP.HCM xây thêm 4 cầu lớn 22.000 tỷ đồng

Những cây cầu này được kỳ vọng không chỉ kết nối TP Thủ Đức, khu đô thị mới Thủ Thiêm mà còn thúc đẩy phát triển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN