5 giáo viên thắng kiện nhà trường và ủy ban huyện hơn 1,2 tỉ đồng

Sự kiện: Thời sự

HĐXX TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã tuyên buộc nhà trường và UBND huyện liên đới chi trả cho năm giáo viên với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng và một số quyền lợi khác.

Chiều 14-1, TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà nguyên đơn là năm thầy cô giáo yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng.

Theo đó, HĐXX TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tuyên chấp nhận một phần đơn khởi kiện của các giáo viên, qua đó tuyên buộc UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai liên đới chi trả cho ông Nguyễn Ánh Dương (SN 1986) với số tiền hơn 317 triệu đồng; ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988), bà Trịnh Thị Bích Hạnh (SN 1989) và Hdim Niê K’dăm (SN 1990) mỗi người với số tiền gần 239 triệu đồng; ông Lương Văn Chinh (SN 1986) gần 220 triệu đồng.

Các giáo viên sau phiên toà sơ thẩm. Ảnh QN

Các giáo viên sau phiên toà sơ thẩm. Ảnh QN

Các khoản tiền mà HĐXX tuyên buộc phải chi trả trên bao gồm tiền lương chi trả trong khoảng thời gian không được bố trí giảng dạy, tiền bảo hiểm xã hội, không báo trước việc chấm dứt hợp đồng lao động trước 45 ngày… Toà buộc phía bị kiện phải đóng bảo hiểm xã hội cho năm giáo viên này kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động đến ngày mở phiên toà sơ thẩm (12-1).

Ngoài ra, UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cũng buộc phải liên đới thanh toán tiền lãi suất cho các giáo viên.

Theo HĐXX TAND huyện Krông Pắk, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật đối với năm giáo viên nói trên.

Theo nội dung vụ kiện, ngày 17-10-2013, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Nguyễn Sỹ Kỷ (khi đó) ký quyết định về việc HĐLĐ đối với ông Dương để bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai; kinh phí được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế.

Trên cơ sở này, đầu tháng 11-2013, người đại diện theo pháp luật của trường này là ông Nguyễn Khắc Thành đã ký HĐLĐ với ông Dương.

Thế nhưng, đầu năm 2017, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai bất ngờ không phân công ông Dương đứng lớp, không trả lương, cũng không cho ông nghỉ việc. Bốn giáo viên còn lại cũng bị tình trạng tương tự.  

Cũng tại phiên sơ thẩm, ông Dương nói rằng các thầy cô giáo đều được UBND huyện Krông Pắk ký quyết định tuyển dụng từ năm 2013 - 2015. Sau đó, cả năm thầy cô giáo được nhà trường ký HĐLĐ không xác định thời hạn, không vi phạm kỷ luật, có nhiều bằng khen trong suốt quá trình công tác...

Chiều 20-1-2017, nhà trường mời 22 thầy cô giáo dạy hợp đồng lên ký lại hợp đồng thời vụ và mỗi người chỉ còn được nhận 1.002.500 đồng/tháng. Ông Dương và bốn đồng nghiệp không chấp nhận và bị trường đơn phương chấm dứt hợp đồng từ tháng 8-2017. Từ đó, những giáo viên này đã làm đơn khởi kiện nhà trường và UBND huyện Krông Pắk, yêu cầu chi trả số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.

Trong khi đó, đại diện UBND huyện Krông Pắk nói tại toà rằng chỉ chịu trách nhiệm chi trả đến thời điểm tháng 10-2018.  Tuy nhiên, HĐXX đã bác quan điểm này.

Đại diện VKSND huyện Krông Pắk tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các thầy cô giáo, yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho các thầy cô giáo tổng cộng 1,2 tỉ đồng.

Trước đó, TAND huyện Krông Pắk đã tuyên buộc Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho cô Nguyễn Thị Bình (33 tuổi) tổng cộng hơn 175 triệu đồng, đóng bổ sung ba năm bảo hiểm xã hội cho cô do đơn phương cắt hợp đồng trái luật. 

Nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế có giải pháp khắc phục

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng không ít cán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN