5 chiến hạm mạnh nhất của Philippines

Hải quân Philippines là một trong ba thành phần của lực lượng vũ trang Philippines có trách nhiệm bảo vệ lãnh hải nước này.

Hải quân Philippines hiện biên chế 24.000 quân với 100 tàu các loại, chiếm hơn nửa trong số đó là tàu vũ trang có khả năng chiến đấu, nhưng năng lực tác chiến yếu ớt. Tất nhiên, trong số đó vẫn có tàu chiến cỡ lớn, trang bị tốt và được xem như là trụ cột của hải quân.

Dưới đây là thông tin về 5 tàu chiến chủ lực mạnh nhất của Philippines:

Tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất

Năm 2011, Philippines đã được Mỹ chuyển giao tàu chiến lớp Hamilton và được đặt lại tên BRP Gregorio del Pilar. Và tới đây, trong năm 2012, nước này sẽ tiếp nhận thêm một tàu Hamilton nữa. Có thể nói, đây là những tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất của Philippines.

Lớp Hamilton có lượng giãn nước 3.250 tấn, dài 115m. Tàu trang bị hệ thống động cơ kết hợp 2 động cơ diesel Fairrbanks-Morse 38TD8-1/8-12 và 2 động cơ tuốc bin khí Pratt&Whittney FT4A-6 cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/h, tầm hoạt động 26.000km.

5 chiến hạm mạnh nhất của Philippines - 1

Tàu chiến lớn nhất Hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar

Tàu được trang bị radar tìm kiếm trên biển Raytheon/Furuno AN/SPS-73 và hệ thống điều khiển hỏa lực Mk 92 mod 1.

Trong thiết kế của tàu tàu Hamilton, được trang bị hỏa lực tương đối tốt có thể phòng không hoặc chống hạm tầm gần. Tàu thiết kế với pháo hạm 76mm (tầm bắn 15km), 2 pháo phòng không Mk 38 25mm và tổ hợp pháo phòng không tầm gần Phalanx có thể tiêu diệt máy bay và tên lửa hành trình ở cự ly hiệu quả 3.600m.

Mặc dù vậy, khi chuyển giao cho Hải quân Philippines, hầu hết các hệ thống vũ khí đã bị gỡ bỏ hoàn toàn, chỉ giữ duy nhất pháo hạm 76mm cùng với hệ thống phóng mồi bẫy Mk.36.

Tàu thiết kế với một sân đáp trực thăng, Hải quân Philippines chủ yếu dùng loại BO-105C

Tuy nhiên với hỏa lực yếu ớt này thì chiếc tàu chỉ có thể đảm nhiệm vai trò tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hơn là chiến đấu chống hạm tàu đối phương.

Tàu chiến già nhất Đông Nam Á

Chiếm vị trí lớn thứ hai, mạnh thứ hai trong Hải quân Philippines là tàu BRP Rajah Humabon – chiếc tàu từng một thời giữ ngôi vị lớn nhất của hải quân nước này.

BRP Rajah Humabon gia nhập Hải quân Philippines năm 1978, trước đó nó đã hoạt động trong Hải quân Mỹ rồi Hải quân Nhật.

5 chiến hạm mạnh nhất của Philippines - 2

Tàu chiến lớn thứ hai và là tàu già nhất Hải quân Philippines, BRP Rajar Humabon

Trong lịch sử phục vụ tại Philippines, còn có tình tiết khá thú vị về Rajar Humabon: Năm 1993 chính quyền nước này đã loại khỏi biên chế tàu Humabon nhưng năm 1996 lại tiến hành khôi phục lại và sử dụng tới tận ngày nay.

BRP Rajar Humabon thuộc lớp tàu pháo Canon thiết kế và đóng từ trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Tàu có lượng giãn nước 1.620 tấn, dài 93m, thủy thủ đoàn đông đảo 165 người. Tàu trang bị 2 động cơ diesel GM-EMD 16-645E7 cho phép đạt tốc độ tối đa 18 hải lý/h, tầm hoạt động 11.000km.

Tàu trang bị hệ thống radar tìm kiếm trên mặt biển tầm ngắn Raytheon AN/SPS-64(V)11 và radar định vị Furuno.

Hỏa lực mạnh nhất của tàu là 3 pháo hạm 76mm Mk.22 có tầm bắn 13.400m. Ngoài ra, còn có 3 tháp pháo pháo phòng không 2 nòng cỡ 40mm được dẫn bắn bằng hệ thống điều khiển hỏa lực Mk.51, 6 pháo phòng không Mk.4 20mm Oerlikon và 4 súng máy phòng không 12,7mm.

Tàu thiết kế với một hệ thống vũ khí chống ngầm và sonar nhưng đều đã bị gỡ bỏ trong đợt đại tu, khôi phục hoạt động năm 1996.

Nhìn chung, BRP Raja Humabon thích hợp với những trận đánh từ thời thế chiến 2 “pháo đấu pháo” hơn là chiến tranh hiện đại ngày nay.

Vì vậy, hiện nay con tàu chỉ thích hợp nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ bờ biển, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế biển, chống buôn lậu, buôn ma túy… hơn là chiến đấu chống hạm nổi.

Tàu hộ vệ lớp Rizal

Rizal là lớp tàu chiến lớn thứ ba của Hải quân Philippines, giống như hai chiếc tàu Hamilton và Canon (hay là BRP Rajar Humabon), Rizal cũng do Mỹ viện trợ cho Philippines từ những năm 1960. Hiện nay, nước này đang duy trì hai tàu loại này gồm BRP Quezon (chuyển giao năm 1967) và BRP Rizal (chuyển giao năm 1965).

5 chiến hạm mạnh nhất của Philippines - 3

Tàu hộ vệ lớp Rizal

Nhưng đặc biệt hơn với 2 lớp tàu chiến trên, thiết kế ban đầu của Rizal không phải là kiểu tàu chiến mà là tàu quét mìn. “Tên thật” của lớp Rizal là lớp tàu quét mìn lớp Auk do Mỹ thiết kế đóng mới từ Thế chiến thứ 2.

Trước khi sang tay cho Philippines, hai tàu Quezon và Rizal đã trải qua nâng cấp, hiện đại hóa hoán cải sang lớp tàu hộ tống.

Lớp Rizal có lượng giãn nước 1.250 tấn, dài 67,57m, thủy thủ đoàn 80 người. Tàu trang bị 2 động cơ diesel GM EMD 16V-645E6 cho phép đạt tốc độ 18 hải lý/h, tầm hoạt động 9.300km.

Tàu trang bị hệ thống radar tìm kiếm trên biển Raytheon SPS-5C, radar định vị DAS 3 và hệ thống định vị thủy âm SQS-17B.

Hỏa lực mạnh nhất của tàu có 2 tháp pháo hạm 76mm Mk26 kết hợp hệ thống điều khiển hỏa lực Mk52 (tầm bắn 13.400m), 2 tháp pháo 40mm 2 nòng kết hợp hệ thống điều khiển Mk51, 2 tháp pháo 20mm 2 nòng và 4 súng máy phòng không 12,7mm.

Tàu hộ vệ lớp Migunel Malvar

Giống với lớp Rizal, Migunel Malvar là tàu hộ vệ được cải tạo từ lớp tàu quét mìn Admirable của Mỹ chế tạo trong Thế chiến thứ hai. Hiện nay, Hải quân Philippines đang biên chế 6 tàu loại này cho nhiệm vụ tuần tra ven biển.

5 chiến hạm mạnh nhất của Philippines - 4

Tàu hộ vệ lớp Migunel Malvar

Đáng lưu ý, 4 trong số 6 tàu này từng thuộc biên chế Hải quân Quân đội Sài Gòn. Tháng 4/1975, các binh lính chế độ cũ đã lái 4 tàu này cùng một số tàu đổ bộ bỏ chạy sang Philippines. Toàn bộ số tàu sau đó được đưa vào trang bị cho Hải quân Philippines và sử dụng tới tận ngày nay.

Lớp tàu Miguel Malvar có lượng giãn nước 914 tấn, dài 56,2m, thủy thủ đoàn 85 người. Tàu trang bị hai động cơ diesel GM 12-278A cho phép đạt tốc độ tối đa 16 hải lý.h, tầm hoạt động hơn 10.000km.

Hỏa lực trang bị cho tàu tương đối giống với lớp Rizal về kiểu loại gồm: một pháo 76mm, 2-6 pháo phòng không 40mm, 3 pháo 20mm và 4 súng máy 12,7mm.

Tàu hộ vệ lớp Jacinto

Trước khi về với Hải quân Philippines và được đặt lại tên lớp là Jacinto, tàu này có “tên thật” lớp tàu tuần tra cỡ nhỏ Peacock do Mỹ chế tạo. Năm 1997, Philippines đã mua lại ba tàu loại này và đưa vào biên chế hải quân cùng một lúc.

Jacinto có lượng giãn nước 712 tấn, dài 62,6m, thủy thủ đoàn 31 người. Tàu trang bị động cơ diesel cho phép đạt tốc độ 25 hải lý/h, tầm hoạt động 4.600km.

5 chiến hạm mạnh nhất của Philippines - 5

Tàu hộ vệ lớp Jacinto

Tàu trang bị một pháo hạm Oto Melara 76mm có thể chống hạm, chống máy bay, bắn phá mục tiêu ven bờ ở tầm bắn 20km, tốc độ bắn rất cao 80 viên/phút; một pháo phòng không 25mm M242 Bushmaster kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực/theo dõi quang – điện Radamec 1500 series 2500; 2 pháo phòng không 20mm Mark 16; 2 súng máy phòng không 12,7mm.

Nhìn chung, Jacinto không khá hơn 2 lớp tàu hộ tống kia là bao, tuy hệ thống vũ khí được đánh giá có khả năng tự động hóa cao hơn nhưng vẫn chỉ là pháo dùng để tiêu diệt mục tiêu tầm gần. Trong tác chiến hiện đại ngày nay, hầu hết các tàu hộ tống, khu trục thì hỏa lực chính phải là tên lửa hành trình đối hạm chứ không là pháo.

Có thể nói, tuy 5 tàu trên đây là những chiến hạm tốt nhất, lớn nhất của Hải quân Philippines nhưng vẫn rất lạc hậu, chỉ có thể đảm nhiệm vai trò tuần tra, bảo vệ lãnh hải. Còn thực tế, nếu phải đối đầu với tàu tên lửa đối phương, thậm chí là tàu nhỏ hơn nhiều lần nhưng trang bị tên lửa đối hải thì dù là tàu Hamilton cũng khó đối địch nổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN