40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: Nhân chứng của cuộc chiến

Sự kiện: Thời sự

An nhiên trong ngôi nhà nhỏ với đầy những chậu hoa nở tung bên thềm, bà Mai vẫn sống với trái tim đầy khát vọng, bầu nhiệt huyết cháy bỏng một thời ấy lửa đạn.

Ký ức đau thương

Tôi đến số nhà 21, đường Phan Huy Chú, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn để gặp bà Đỗ Ngọc Mai, nhân chứng của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây tròn 40 năm. Đỗ Ngọc Mai sinh ra và lớn lên ở miền núi xứ Lạng và có “tí năng khiếu” nên được gia nhập làng văn công, văn hóa văn nghệ khu mỏ Hồng Quảng, tỉnh Quảng Ninh từ năm 1958 (khi đó bà 16 tuổi). Sau này, bà trở về Lạng Sơn tham gia làm truyền thanh, biên tập viên phòng văn nghệ xuất bản thuộc Ty Văn hóa - Thông tin.

40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: Nhân chứng của cuộc chiến - 1

Bà Đỗ Ngọc Mai lục giở những ký ức chiến tranh ảnh: Duy Chiến

Bà Mai nhớ lại và kể, rạng sáng 17/2/1979, khi bà còn đang mơ ngủ thì bị đánh thức dậy bởi những tiếng đùng đoàng rất mạnh. Bà bung cửa chạy ra ngoài hiên, thấy rất đông người nhốn nháo nhìn về hướng Bắc, nơi có những tia chớp đỏ rực kèm theo tiếng rít đinh tai chói óc. Sau đó vài tiếng, tiếng loa phóng thanh thông báo chiến sự và yêu cầu cán bộ và nhân dân sơ tán về tuyến sau. Bà Mai trở lại cơ quan Ty Văn hóa - Thông tin đóng tại phố Cửa Đông, phường Chi Lăng nằm sát bờ Nam sông Kỳ Cùng, thị xã Lạng Sơn thì thấy anh em cơ quan mau mắn thu dọn đồ đạc, chất lên xe ô tô.

“Chỉ trong thời gian ngắn, bộ phận phục vụ chiến tranh hoạt động trở lại. Khi lán trại dựng lên rồi xí nghiệp in từ thị xã Lạng Sơn tập kết tại khu vực thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, cách thị xã Lạng Sơn gần 40 km) là “Bản tin biên giới” lập tức xuất bản phục vụ đồng bào, chiến sỹ nơi tuyến lửa, giúp họ vững tin, bám trụ giữ đất” - Bà Mai kể.

Trong những ngày “tạm cứ” ở tuyến sau, bên cạnh thường xuyên bám địa bàn, bà Mai còn được giao nhiệm vụ đón tiếp, trao đổi cung cấp thông tin cho các đoàn khách quốc tế, nhà báo đến tác nghiệp tại địa phương. Những chuyến đi tháp tùng như vậy, bà chứng kiến nhiều cảnh hiểm nguy ở vùng đất chiến sự. Bà Mai nhớ mãi câu chuyện, ngày 7/3/1979 đưa một nhóm nhà báo 5-7 người nước ngoài, trong đó có nhà báo Takano (Nhật Bản) đi đến thị xã Lạng Sơn khi quân Trung Quốc vừa rút chạy. Đến thị xã Lạng Sơn khi trời đã về chiều, nhóm phóng viên của Nhật Bản, Thụy Điển, Cu Ba chia thành các tốp, đi sâu vào các ngõ hẻm tranh thủ ghi hình, chụp ảnh. “Mùi thuốc súng vẫn còn vương ở khu vực UBND tỉnh Lạng Sơn cuối khu phố Ba Toa, phường Chi Lăng. Thấy qua rặng tre xơ xác đạn pháo lộ ra cây cầu Kỳ Cùng gục đổ, nhà báo Isa Takano tiến đến tới gần chụp ảnh. Bỗng có tiếng súng nổ, nhà báo Takano đổ gục ngay trước mắt tôi”. Bà Mai đau xót kể lại.

Sau một tháng gây chiến, phía Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước nhưng họ vẫn tiếp tục gây rối, phá hoại. Bà Mai kể, giữa năm 1979, bỗng rộ lên tin đồn về việc hàng trăm người Dao sinh sống ở bản Lủng Slàng thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn đi theo Trung Quốc, muốn lập cứ để phía bên kia biên giới lấn sang. Tin đồn lan nhanh, thâm độc làm chia rẽ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Kinh địa phương với người Lủng Slàng. Khi người Dao xuống chợ, thi thoảng bị ném đá ngang đường với lời chửi thề “Bọn tay sai cho giặc”. Tiêu cực, một số người Lủng Slàng bảo nhau mổ lợn, mổ gà ăn xong chờ chết cứ không chịu mang tiếng xấu.

Tình hình khi đó căng như dây đàn. Nghe thông tin, bà Mai cùng một số cán bộ thuộc Ty Công an Lạng Sơn xuống tìm hiểu thực tế thì phát hiện đây là chiêu thức xấu của nhóm phản động từ bên kia biên giới nên liền báo cáo Đại tá Đào Đình Bảng, Trưởng ty Công an Lạng Sơn. Thấy vậy, Đại tá Bảng thành lập ngay tổ công tác và trực tiếp đến Lủng Slàng. “Lúc đi, ai cũng lo lắng nhưng Đại tá Bảng ra lệnh, tất cả cán bộ, chiến sỹ đi cùng ông đều phải để súng ở nhà vì ông tin người dân biên giới quê hương. Và đúng như lời ông nói, người Dao Lủng Slàng vui mừng đón tiếp, giãi bày về việc dân gánh lương thực, muối, thực phẩm cho bộ đội của ta, chứ không thể làm “tay trong” cho giặc. Đại tá Bảng chia sẻ nỗi oan khiên của người dân đồng thời khuyên nhủ mọi người bình tĩnh, nâng cao tinh thần cảnh giác và luôn đoàn kết, sống chết có nhau. Nghe thấy vậy, ai cũng ôm nhau, mắt đỏ hoe”. Bà Mai nhớ lại.

Sáng lên một cành mai

Bà Vi Thị Thu Đạm, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, Đỗ Ngọc Mai là hội viên thân thiết lâu năm, chung thủy và viết đều tay. Người nghệ sỹ già này luôn đau đáu với cuộc sống, nhân tình thế thái. “Chiến tranh và cuộc sống lam lũ, khổ sở một thời của nhân dân các dân tộc vùng biên giới đã để lại trong bà nhiều vết thương lòng. Sau này, bà chuyển hẳn sang viết văn cũng là để xoa dịu đi những vết thương lòng đó, cho mình và cho mọi người”. Bà Đạm nói.

Hơn bốn mươi năm cầm bút, cho ra mắt độc giả trên 10 đầu sách với hơn một trăm truyện ngắn và hàng nghìn bài báo chủ yếu về đề tài biên giới, về cuộc sống, chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương của đồng bào các dân tộc thiểu số, tác giả Ngọc Mai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bà cũng đã giành được nhiều giải thưởng cao quý trong sáng tác Văn học và Báo chí. Đồng nghiệp làng báo, làng văn nể trọng bà.

An nhiên trong ngôi nhà nhỏ với đầy những chậu hoa nở tung bên thềm, bà Mai vẫn sống với trái tim đầy khát vọng, bầu nhiệt huyết cháy bỏng một thời ấy lửa đạn.

Chuyện 2 bé gái chạy quân Trung Quốc lạc cha mẹ 23 ngày trong rừng

Tháng 2.1979, khi quân xâm lược Trung Quốc tràn đến, hai chị em Lê Thị Bẩy (9 tuổi), Lê Thị Bay (7 tuổi) xóm 3, xã Hưng Đạo,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Duy Chiến ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN