4 nội dung quan trọng, cấp bách trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường
Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ, chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự án sửa đổi, bổ sung một số luật sẽ được dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới.
Họp bất thường đầu năm 2022
Sáng 10/12, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp tới, dự kiến sẽ trình Quốc hội 4 nội dung cấp bách, gồm: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội (Ban cán sự Đảng Chính phủ đang trình xin ý kiến Bộ Chính trị); dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu 3 phương án tổ chức kỳ họp. Trong đó, phương án một dự kiến khai mạc ngày 27/12, bế mạc chiều 31/12 để kịp kết thúc kỳ họp trong năm 2021. Phương án hai từ 27/12/2021 đến 4/1/2022; và phương án 3 diễn ra từ 4/1/2022 đến 11/1/2022.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cả 4 nội dung trên đã được Chính phủ phân công chuẩn bị, dự kiến ngày 15/12 sẽ trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên cơ sở vững chắc, đầu tư công phu, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo chất lượng. Khi hoàn thiện nội dung nào sẽ trình Quốc hội nội dung đó. Về thời gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, nếu bảo đảm các điều kiện sẽ trình cấp có thẩm quyền chủ trương tổ chức kỳ họp vào đầu năm 2022.
Không đồng ý giao địa phương làm cao tốc Bắc - Nam
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 146.990 tỷ đồng. Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đáng lưu ý, để bảo đảm tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng yêu cầu, Chính phủ đề xuất trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm và có văn bản đề xuất, sẽ được xem xét giao đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính địa phương đó. Trường hợp địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm, Bộ GTVT sẽ trực tiếp đầu tư dự án.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn thiện cả về chủ trương, nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền; nếu đảm bảo điều kiện, sau khi kết thúc Phiên họp thứ 6 sẽ trình Bộ Chính trị về chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022; xây dựng chương trình kỳ họp bố trí đủ thời gian để đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường. |
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban không đồng tình với đề xuất trên, vì giao cho địa phương sẽ phát sinh hạn chế, bất cập, không không phù hợp quy định. Mặt khác, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt, với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án ở trình độ quốc gia, trong khi năng lực quản lý dự án của các địa phương còn hạn chế; đa số các địa phương hiện chỉ mới quản lý đầu tư các tuyến đường cấp III trở xuống…
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường “bảo lưu quan điểm”, không đồng ý giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo ông Cường, ngoài Hà Nội, TP HCM, hầu hết các địa phương khác đều không đáp ứng được năng lực thi công cao tốc. Nếu có giao cho địa phương, doanh nghiệp ở địa bàn đó cũng phải hợp tác với Bộ GTVT, như vậy chẳng khác nào “cho thuê bằng dược sĩ”, thay vì dược sĩ mở cửa hàng thuốc lại cho thuê bằng đi các nơi mở bán.
Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội đồng thẩm định dự án và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, địa phương đã có ý kiến giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Để triển khai nhanh, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng theo hướng rút gọn.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ thống nhất giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư toàn bộ dự án, chỉ giao kinh phí giải phóng mặt bằng cho các tỉnh có dự án đi qua.
Việc ban hành nghị quyết nhằm đúng lộ trình cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm áp dụng thống nhất...
Nguồn: [Link nguồn]