4 ngày lặn suối cưa cây gỗ trăm tuổi: Người phát hiện có thể được thưởng gì?
Luật đã quy định cụ thể phần tiền thưởng dành cho người dân phát hiện những tài sản như khối gỗ "khủng” ở Hà Tĩnh.
Tính đến sáng 4/8, các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có phương án xử lý cuối cùng đối với khối gỗ “khủng” do hai người dân phát hiện được ở khe suối.
Khối gỗ “khủng” dài 15m, đường kính 80cm
Theo ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, cây gỗ này do người dân trục vớt được nên theo quy định đó là tài sản của toàn dân, giống như một dạng tài nguyên. Nhà nước sẽ thu hồi để bán đấu giá sung vào công quỹ hoặc có phương án xử lý khác, và người người dân phát hiện vẫn sẽ được trả công.
Hiện, xã Sơn Hồng đã có báo cáo lên huyện Hương Sơn, huyện đã báo cáo lên tỉnh và đang chờ phương án xử lý. Lực lượng chức năng địa phương cũng cử người túc trực bảo vệ khối gỗ nói trên.
Trao đổi với PV về trường hợp này, luật sư Lê Quang Vũ - Giám đốc Công ty Luật Công Bình nhận định: Gỗ quý do hai người dân ở Hà Tĩnh tìm được dưới khe suối có thể xác định là tài sản bị vùi lấp không có, không xác định ai là chủ sở hữu, tài sản không thuộc thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa.
Dẫn Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 30 Nghị định 29/2018, luật sư Vũ cho biết, hai người dân phát hiện gỗ trong sự việc trên phải giao nộp cây gỗ quý cho UBND hoặc Công an xã Sơn Hồng. Sở tài chính tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân đối với cây gỗ quý này và chi trả thanh toán phần giá trị cho người phát hiện và giao nộp tài sản.
Cụ thể, nếu tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan (chi phí tìm chủ sở hữu, chi phí vận chuyển, bảo quản và xác định giá trị tài sản) thì tài sản thuộc về tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản.
Trường hợp tài sản lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở sau khi trừ chi phí hợp lý có liên quan, tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định hiện hành là 1,49 triệu đồng x 10 = 14,9 triệu đồng và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định; phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước. Giá trị cây gỗ quý sẽ được hội đồng định giá, bán đấu giá.
“Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định thì không được thưởng, không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, luật sư Lê Quang Vũ lưu ý.
Theo nhận định ban đầu, đây là gỗ lim khoảng 100 năm tuổi. Tuy nhiên, kết quả xác minh chính xác cần chờ từ phía cơ quan chức năng.
Trước đó, vào khoảng 21h tối 21/7, anh Nguyễn Đức Chung (SN 1984, ở thôn 9) và anh Trần Đức Hạnh (SN 1977, ở thôn 8) cùng trú xã Sơn Hồng, đi bắt ốc trên khúc suối thuộc địa bàn thôn 1 cùng xã.
Trong lúc mò ốc, hai người vấp phải một cành cây lớn. Nghi là nhánh của một thân cây cổ thụ nên lặn xuống xem thì phát hiện một cây gỗ dài nằm sâu phía dưới lòng suối.
Sau khi phát hiện, hai anh đã thuê một nhóm thợ cùng máy đào đến hiện trường. Ròng rã suốt 4 ngày liên tục đào bới ở độ sâu khoảng hơn 3m, nhóm thợ đã kéo lên được một cây gỗ dài khoảng 15m, đường kính 80cm, toàn thân có màu nâu đen lên bờ.
Theo người dân địa phương, đây là cây gỗ lim quý, có tuổi đời hàng trăm năm. Rất có thể trong quá trình lũ lụt, đã bị cuốn trôi xuống suối rồi bị vùi lấp.
Nhận tin báo về sự việc, lực lượng kiểm lâm Hương Sơn cùng chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để báo cáo các cấp có thẩm quyền tìm phương án xử lý.
Thường ngày, sau bữa cơm tối, anh Chung và anh Hạnh lại ra đồng hay lên suối để mò cua bắt ốc kiếm tiền trang trải cuộc...