4 lần bị chôn sống của anh hùng phá bom bướm ở Điện Biên Phủ

Trong 3 vạn TNXP của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 62 năm, AHLLVTND Nguyễn Tiến Thụ vinh dự vì được bầu ở vị trí số 1.

4 lần bị chôn sống của anh hùng phá bom bướm ở Điện Biên Phủ - 1

AHLLVTND Nguyễn Tiến Thụ xúc động nhớ lại những ngày phá bom cảm tử phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Những chiến công thầm lặng

Tình cờ tôi gặp ông đúng ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 62 năm. Tôi đã không dám nghĩ nhân chứng sống của những ngày tháng hào hùng năm xưa trước mặt mình hôm nay đã 83 tuổi. Bởi ông có một dáng vẻ nhanh nhẹn, nhỏ nhắn, sự minh mẫn khiến người gặp lần đầu chỉ nghĩ ông mới chớm cái tuổi “xưa nay hiếm” mà thôi.

Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Thụ.

Ông Thụ là một người cực kỳ khiêm tốn. Bởi vậy mà bao nhiêu năm trên quê hương Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh của ông, không ai biết ông là cựu Thanh niên Xung phong (TNXP) chiến dịch Điện Biên Phủ mặc dù ông có rất nhiều chiến công và được phong tặng danh hiệu anh hùng cũng từ chiến dịch lịch sử ấy. Lại càng không ai biết, ở làng quan họ ấy có một người chiến sỹ được bầu vào vị trí số 1 trong hơn 3 vạn TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Mãi đến năm 2014, khi ông vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND, người làng mới “ngỡ ngàng” vì anh hùng ở ngay bên cạnh mình.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13-14 tuổi, cậu bé Thụ lanh lẹn, hoạt bát ngày nào luôn được cấp trên tin tưởng và giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Ông Thụ đã hăng hái hoạt động trong huyện bộ Việt Minh ở Tiên Du rồi xung phong ra nhập đoàn TNXP công tác trung ương phục vụ 3 chiến dịch lớn là chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Thượng Lào.

Sau khi được kết nạp Đảng năm 19 tuổi, ông được lệnh về Việt Bắc nhập đoàn TNXP trung ương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và được phân công làm Tổ trưởng tổ phá bom tại ngã ba Cò Nòi, ngầm Hát Lót, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Pháp.

Tại đây, ông cùng đồng đội đã phá hàng ngàn quả bom, đảm bảo cho tuyến đường huyết mạch từ Yên Bái và Hòa Bình sang Điện Biên Phủ luôn được thông suốt.

Những thời khắc sinh tử trong gang tấc

Cho đến bây giờ, ký ức về các loại bom, đặc điểm công phá như thế nào, mức độ sát thương ra sao, cách phá từng loại bom vẫn được ông Thụ thuộc nằm lòng bàn tay. Ông từng được mọi người nhớ tên cũng vì đã 4 lần bị “chôn sống” mà vẫn bình tĩnh, kiên cường từ cõi chết trở về.

Nhắc lại điều này, ông Thụ hào sảng chia sẻ: “Khi bom nổ, đất vùi mình xuống. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta có thể chết ngay mà nếu bình tĩnh nhích từng chút một lên mặt đất, chúng ta vẫn có thể thoát chết. Đó là kỹ năng hay cũng là bản lĩnh của mỗi người”. Và ông Thụ đã từng 4 lần bị sức công phá của những quả bom vùi lấp dưới đất sâu nhưng lại có thể mưu trí thoát khỏi cái chết như thế.

Phá không biết bao nhiêu quả bom, loại bom, thế nhưng, kỷ niệm sâu sắc nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ là khi ông tìm ra nguyên lý tháo bom bướm khiến đồng đội phải ngỡ ngàng nể phục.

Một thời trai trẻ không màng hiểm nguy, không tính toán so đo với cả mạng sống của chính mình, ông Thụ bổi hồi nhớ lại: “Quả bom bướm ban đầu to như cái thùng phi chứa hàng trăm quả bom con. Khi thả xuống cách mặt đất chừng 50m thì quả bom mẹ nở ra. Hàng trăm quả bom con bay khắp vùng. Những quả bom con chưa nổ ngay mà sẽ bật sẵn ngòi nổ. Chỉ cần đá phải, chạm vào, nhiều khi nó ở trên cây, gió rung nhẹ là cũng có thể nổ.

Dân công bộ đội chết vì bom bướm rất nhiều. Nhất là ban đêm, quả bom như màu của đất, đá vào, chạm phải là không tránh khỏi thương tích, hy sinh. Chỉ cần lính Pháp thả xuống 2 quả bom bướm đồng nghĩa với vài trăm quả bom con nằm rải rác ở khắp ngã ba Cò Nòi. Bởi thế nên người chết vì bom bướm không phải ít.

Điều nguy hiểm hơn nữa là có những quả bom đá vào không nổ. TNXP phải phá những quả bom như thế, phải chọc nó cho nó nổ hoặc lấy dây giật mạnh cho nó nổ. Có những quả chọc không nổ, lấy dây giật cũng không nổ. Tôi đã chứng kiến một đồng đội tên Thới người Thanh Hóa cầm quẳng bom đi và hy sinh. Sự ra đi của Thới khiến tôi ám ảnh và nung nấu tìm cách phá bom bướm một cách an toàn.

Bao nhiêu người ngăn cản vì tháo một quả bom bướm là việc làm quá nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi lệnh cho đào một cái hố. Tôi xuống hố giơ tay lên và phân tích cho mọi người biết nếu bom nổ thì chỉ cụt hai tay, vẫn giữ được mạng sống. Vì bom bướm là loại bom sát thương chỉ nổ trên mặt đất, không khoan sâu.

Lý luận của tôi được anh em đồng ý. Và tôi chính là người đầu tiên thực hành nguyên lý này. Tôi tháo bom trong sự hồi hộp, lo lắng của các đồng đội. Sau vài phút loay hoay không tháo được, mọi người nín thở, tôi vặn ngược lại thì tháo được ngòi nổ ra. Tất cả anh em đồng đội ùa vào chỗ tôi cảm động và thốt lên: “Sống rồi”. Đó là những thời khắc sinh tử mà cả đời tôi không thể quên”.

Được biết, cũng từ sáng kiến này của ông Thụ và những thành tích ở chiến dịch Điện Biên Phủ nên ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND vào năm 2014.

Ngày chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đại hội chiến sỹ thi đua của toàn đoàn, trong khoảng 3 vạn TNXP lựa chọn khoảng 100 chiến sỹ tham gia thì ông Thụ chính là người được bầu vào vị trí số 1 với những thành tích, những sáng tạo đóng góp cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông Thụ đã kinh qua rất nhiều những vị trí công tác khác nhau đến khi về hưu. Tuổi cao chí lại càng cao, ông vẫn sống với phong thái và phẩm chất của một người lính cụ Hồ năm xưa, vẫn tích cực gặp gỡ giao lưu và truyền lại cho thế hệ trẻ những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội và cả một thời oanh liệt hào hùng “gan không núng, chí không mòn”.

Người viết cảm thấy lòng vinh dự và tự hào khi được gặp gỡ và trò chuyện với người AHLLVTND bước ra từ cuộc chiến và lắng nghe những ký ức của 62 năm trước thật hào hùng vào những ngày tháng Năm lịch sử này. Dù những người lính như ông đã không còn nhiều bởi sự khắc nghiệt của tuổi tác và thời gian, nhưng những chiến thắng mà thế hệ ông, cha đã làm được thì sẽ trường tồn vĩnh cửu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thu (Người đưa tin)
Chiến tranh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN