4 gia đình trong xóm trúng số gần 10 tỷ đồng
Số tiền trúng thưởng gần 10 tỷ đồng đến với những người dân ở khu Tỏm (ấp An Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An) bất ngờ như một giấc mơ.
Bốn gia đình trong vòng cùng quẫn bởi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo đã được hồi sinh bởi những tấm vé số độc đắc. Quý nhân mang đến “lộc trời” cho khu Tỏm là chị Bùi Thanh Vui (SN 1969), người bán vé số kiêm thợ cắt tóc ở vùng sông nước này. Ba tờ vé số bán chịu cho những người trong xóm trúng độc đắc, chị đã không đòi lại. May mắn cũng mỉm cười với người phụ nữ khi 3 tờ vé số bị ế chị giữ cho mình cũng trúng thưởng.
Vận may đến lúc khốn cùng
Gần 20 năm dạt về ấp An Hòa sinh cơ lập nghiệp, 4 gia đình sống sát cạnh nhau vẫn được coi là những hộ nghèo. Vật lộn cùng miếng cơm, manh áo, họ chỉ biết níu lấy chữ tình, chữ nghĩa để nương tựa lẫn nhau. Những khi đắp đất ngăn dòng lũ, những khi chặt tàu dừa nước sửa mái nhà tranh,cả bốn gia đình lại tề tựu, mỗi người góp một tay giúp đỡ.
Hơn ba năm trước, cuộc sống nghèo khó của cả bốn gia đình đột ngột thay đổi nhờ “lộc trời”. Người đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ cho xóm nghèo, không ai khác chính là chị Bùi Thanh Vui. Thời gian trôi qua chưa làm phai kỷ niệm khó quên, chị kể: Ngày ấy, nhà chị và ba gia đình còn lại trong xóm đều chung cảnh khó khăn túng quẫn.
Vợ chồng chị Ngô Thị Phương thì đông con và chẳng đứa nào được học hành đến nơi đến chốn, còn anh Trần Văn Tính vợ bị tai biến nhiều năm. Bất hạnh nhất là gia đình ông Huỳnh Văn Khải, người đàn ông độc thân, cả đời dành tình yêu thương và nuôi dậy cho đứa cháu mồ côi mẹ và người cha già bị ung thư. Để có tiền chữa bệnh cho người cha già, ông Khải đã bán mảnh đất đang ở rồi dựng tạm túp lều bên đường làng sống tạm qua ngày.
Ngôi nhà mới khang trang chị Vui đã xây lại sau khi đổi đời: Ảnh TG
Vợ chồng chị Vui đến khu Tỏm sau cùng với đôi bàn tay trắng. Anh Nguyễn Văn Khanh (SN 1968), chồng chị, ngày nào cũng chèo thuyền lênh đênh trên dòng sông Vàm Cỏ Đồn đánh cá rồi mang ra chợ bán. Những ngày nước sông lớn không đánh cá được, anh Khanh lại cưỡi xe cà tàng ra ngã tư thị trấn Đức Huệ hành nghề xe ôm. Chị Vui sau 3 tháng học nghề cắt tóc trên TP. Hồ Chí Minh về nhà mở một cửa tiệm nhỏ. Ngoài nghề cắt tóc chị Vui còn lấy thêm xổ số rồi tranh thủ đi bán dạo ở quanh làng.
Chị Vui cho biết, trước ngày trúng độc đắc, tai họa đã bất ngờ ập xuống gia đình chị. Chuyện xảy ra vào một ngày tháng 9/2010, hôm đó, có người khách đi đường thuê anh Khanh chở về TP. Tân An (Long An) lúc chập tối. Từ thị trấn Đức Huệ về Tân An hành trình dài gần 50km và đi qua con đường N2 vắng người qua lại, từng xảy ra nhiều vụ cướp giật. Trên đường về qua huyện Thủ Thừa, anh đã bị một người đàn ông đi xe máy ngược chiều tông vào. Sau khi gây tai nạn, kẻ đó đã vội vã leo lên xe chạy chốn, bỏ mặc anh Khanh nằm bất động. Gần 3 tháng anh Khanh nằm bệnh viện, chị Vui phải chạy ạy vay mượn bà con lối xóm mới đủ tiền trang trải. Ân tình khi hoạn nạn ấy, chị đến giờ vẫn khắc cốt ghi tâm.
Sau ngày anh Khanh bị tai nạn, dù gia đình nợ nần chồng chất, chị Vui vẫn lạc quan: “Của có thể mất nhưng người còn thì là còn tất cả”. Mảnh đất và ngôi nhà chị rao bán để trả tiền viện phí cho chồng được người trong làng mua lại. Người chủ mới thương tình gia đình chị không còn nơi để đi nên đồng ý cho ở tạm một thời gian. Và đúng lúc Khánh liệt, phải sống khốn khó qua ngày đoạn tháng thì vận may “trời cho” đã tìm đến với chị Vui. Chỉ sau một đêm, gia đình chị đã “lột xác” thành tỷ phú nhờ trúng liền 3 vé số độc đắc. Chuyện bỗng dưng đổi đời của chị Vui như trong cổ tích.
Ngày đổi vận của chị và xóm nghèo đó là 3/3/2011. Hôm đó, chị lấy 50 tờ vé số về tranh thủ đi bán quanh làng. Mỗi ngày lãi được 50 nghìn đồng. Những ngày khác chị khoảng 3h chiều là chị Vui đã bán hết sạch 50 tờ. Nhưng hôm ấy, chị đi mời khắp nơi cũng còn dư 6 vé. “30 phút nữa đến giờ quay số mà vẫn còn ế 6 vé, tôi rất nóng ruột. Trùng hợp thế nào mà ông Khải, anh Tính, chị Phương lại ra quán cắt tóc của tôi chơi. Nghe tôi than vãn hôm nay vé số bị ế, mọi người bèn mua chịu của tôi mỗi người 1 tờ”, chị nhớ lại. Theo chị Vui, những người hàng xóm vốn chẳng dư dả, cũng phải lo chạy ăn từng bữa nhưng luôn nhiệt tình và tốt bụng. Nhiều lần trước chị ế vé số, họ cũng mua giúp.
Tiền không bằng tình nghĩa xóm làng
Giờ đây khi cuộc sống thay đổi, 4 gia đình ở khu Tỏm vẫn giữ những nếp xưa. Sau ngày trúng số, tình cảm láng giềng càng thêm bền chặt và gắn kết. “Lúc biết 3 tờ vé số bán chịu cho những người hàng xóm đều trúng giải độc đắc, chị có ý định đòi lại không”, nhiều người đã hỏi chị Vui như vậy. Nghe rồi, người phụ nữ mang vận may đến cho cả xóm chỉ cười tủm tỉm: “Vợ chồng tôi quê Bến Tre, đến cái xóm này sau cùng. Ngày đầu mới về đây, gia đình chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, ông Khải, chị Phương, anh Tính không chỉ giúp chúng tôi dựng nhà mà còn chia cho từng bát gạo. Lúc chồng tôi gặp họa, ba gia đình ấy đã hết lòng giúp đỡ. Họ cũng nghèo, họ cũng phải bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh đã cưu mang mình khi khó khăn cùng quẫn. Khi khổ có nhau giờ có phước thì phải cùng nhau hưởng”. Gần 20 năm gắn bó, đối xử với nhau chẳng khác gì anh em ruột thịt, triết lý sống của chị và những người dân xóm nghèo khi đã đổi vận vẫn vậy.
Hai vợ chồng chị Vui hạnh phúc bên nhau, kể lại câu chuyện trúng độc đắc: Ảnh TG
Chị Vui bảo, chị và 3 người hàng xóm kia cũng không ngờ mình lại trúng độc đắc. Chị được 4,5 tỷ đồng; ông Khải, chị Phương, anh Tính mỗi người được 1,5 tỷ đồng. Sau khi lĩnh thưởng, chị Vui đã mua lại ngôi nhà mình từng bán và trả sạch nợ nần. Chồng chị không còn phải lênh đênh trên chiếc thuyền mỏng manh đánh cá như trước nữa. Hiện tại, anh Khánh đã mua xuồng máy đi chở hàng, còn chị Vui mở một salon tóc ở thị trấn Đức Huệ, khách cũng rất đông. Ngôi nhà xưa cũ được vợ chồng chị xây mới khang trang hơn.
Chị Vui cho biết, bỗng dưng giàu có nhưng vợ chồng chị và 3 người hàng xóm vẫn giữ được thói tằn tiện, tiết kiệm như trước. “Từng nghèo khó, phải cực khổ mới làm ra được đồng tiền nên chúng tôi rất quý giá trị của nó. Đời người ta “lên voi xuống chó mấy hồi”, số tiền ấy tuy lớn thật nhưng nhỡ một lần ốm đau, có khi chẳng đủ tiền đi viện”, người phụ nữ này nói tiếp.
Chị Vui kể, lúc anh Khanh bị tai nạn anh em người thân có những kẻ đãkhinh chị nghèo, không giúp đỡ và còn coi vợ chồng chị như những người xa lạ. Nhưng khi chị trúng số họ đã tìm đến, có người ở tận đâu, cả đời chẳng đến nhà chị bao giờ biết tin chị bán chịu 3 vé độc đắc cho hàng xóm đã tìm đến nhà và khuyên chị nên đòi lại. Nhưng chị đã lắc đầu, số tiền gần 5 tỷ ấy lớn thật, nhưng chẳng bằng tình nghĩa mà họ đã sống bấy nhiêu lâu nay. |
Lúc xa cơ lỡ vận, ba đứa con của chị tưởng phải nghỉ học, giờ thì hai cháu cũng đã vào đại học, cũng nhờ tiền mà chị trúng thưởng. Chị cảm thấy vui và hạnh phúc hơn khi mình đã mang đến may mắn, tài lộc cho những người hàng xóm. Cũng coi như, chị đã làm được một việc gì đó trả được 1 phần của món nợ ân tình.
Vợ chồng chị Phương cũng lo được cho con cái có được cuộc sống ổn định, còn anh Tính có tiền đưa vợ đi bệnh viện điều trị chứng tai biến. Ông Khải có lòng nghĩa hiệp, đã mang tiền đi xây cầy bắc qua những con kênh và làm đường mới cho dân ấp. Sau khi còn lại một ít tiền ông đã mua mảnh đát định xây một ngôi nhà nhỏ tá túc phần đời còn lại nhưng miếng đất ông mua là đất nông nghiệp và không được phép sử dụng vào mục đích khác. Chán nản, ông đã bỏ đi đâu đó vào một ngày cuối năm 2012.
Chị Vui bảo, khi ông Khải bỏ đi mọi người đều buồn, hụt hẫng và lo lắng. Sau một thời gian dài mò tìm tung tích, mọi người mới biết ông đang ở Vĩnh Tường (Mộc Hóa, Long An) và đã kết duyên với một người phụ nữ cũng đã lỡ một lần đò. Nghe nói hoàn cảnh ông rất khó khăn, vợ chồng chị Vui, anh Tính, chị Phương đã tìm đến giúp đỡ. Cũng là cái kết có hậu cho người đàn ông cả đời bất hạnh.