35 phiến quân IS thiệt mạng dưới “đòn thù” của Jordan
Ngày 6/5, tờ Sky News Arabic cho hay 35 phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị tiêu diệt trong chiến dịch không kích trả thù mang tên “Liệt sĩ Moaz” do Không quân Hoàng gia Jordan thực hiện tại thành phố Mosul miền bắc Iraq.
Đây là lần đầu tiên không quân Jordan thực hiện một đòn sấm sét quy mô lớn đến vậy nhằm vào nhiều mục tiêu ở các thành phố khác nhau tại miền bắc Iraq hiện do IS kiểm soát. Chiến dịch “Liệt sĩ Moath” này được Jordan thực hiện nhằm trả thù cho phi công Moath al-Kasaesbeh, người đã bị IS thiêu sống hồi tháng Một.
Trong khi đó, tờ báo tiếng Arab Al-Hayat cho hay Jordan cũng đã điều động binh sĩ của mình áp sát biên giới Iraq, trong bối cảnh quân đội nước này tuyên bố sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào để tiêu diệt phiến quân IS.
Theo tờ Al-Auds có trụ sở ở London, Anh, quân đội Jordan sẽ tiến hành các chiến dịch đặc nhiệm trên mặt đất để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của IS, đặc biệt là những tên chỉ huy cấp cao, tuy nhiên nước này sẽ không thực hiện một cuộc chiến tranh toàn diện trên bộ chống IS.
Chiến dịch trả thù trên của Jordan được thực hiện trong bối cảnh Mỹ vừa quyết định huy động các máy bay tìm kiếm cứu nạn Osprey V-22 tới Iraq để có thể nhanh chóng thực hiện các chiến dịch giải cứu phi công bị bắn rơi.
Việc phi công Kasaesbeh bị IS bắn rơi và bắt làm tù binh trước khi liên quân do Mỹ đứng đầu có thể thực hiện chiến dịch giải cứu đã khiến nhiều nước tham gia cuộc chiến chống IS lo ngại. Từ tháng 12, UAE đã âm thầm rút khỏi chiến dịch không kích chống IS vì cho rằng Mỹ không có đủ khả năng để thực hiện chiến dịch giải cứu một cách nhanh chóng nếu phi công của liên quân bị bắn rơi.
Theo các chuyên gia phân tích, nguy cơ bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh trong các sứ mệnh không kích là không thể tránh khỏi ở bất cứ đâu. Nguy cơ đó càng lớn hơn đối với các phi công bay trên bầu trời Syria, nơi không có các lực lượng bộ binh Mỹ ở gần, mặc dù IS có khả năng rất hạn chế trong việc bắn rơi máy bay.
Tầm quan trọng của nhiệm vụ giải cứu phi công bị bắn rơi càng được chú ý sau khi IS tung lên mạng đoạn video ghê rợn quay cảnh thiêu sống thiếu úy phi công Jordan Kasaesbeh trong một chiếc lồng sắt.
Mặc dù cho đến nay liên quân do Mỹ đứng đầu mới chỉ mất một phi công duy nhất là Kasaesbeh, tuy nhiên Mỹ đã phải gấp rút chuyển các máy bay Osprey tới miền bắc Iraq để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ giải cứu.
Trước đây, lực lượng PJ và máy bay Osprey của Mỹ được bố trí tại một căn cứ quân sự ở Kuwait, tuy nhiên UAE và một số nước đồng minh của Mỹ đã than phiền rằng việc bố trí như vậy là không hợp lý và không thể kịp thời giải cứu được phi công bị bắn rơi.
Các nhiệm vụ giải cứu phi công trong vùng chiến sự thường do lực lượng lính dù cứu nạn (PJ) của không quân Mỹ đảm nhiệm. Lực lượng này được huấn luyện đặc biệt để có thể tìm kiếm, giải cứu và chăm sóc y tế cho các phi công bị bắn rơi trên lãnh thổ đối phương hoặc trên biển.
Ngoài ra, lực lượng PJ cũng được huấn luyện các chiến thuật chiến đấu để có thể giải cứu phi công ngay sau khi bị đối phương bắt giữ và đưa về căn cứ an toàn. Lực lượng này thường được đặt trong tình trạng báo động cao mỗi khi có đơn vị không quân thực hiện nhiệm vụ không kích trên đất địch.
Đại tá Mỹ về hưu Peter Mansoor cho biết: “Khi biết phi công bị bắt nhiều khả năng sẽ bị tra tấn và sát hại, Mỹ sẽ xem xét lại các kế hoạch giải cứu để bố trí phương tiện, lực lượng gần hơn với chiến trường”.