35 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa: Nghẹn ngào những dòng thư viết vội
Trong dòng chảy bi tráng về những người anh hùng Gạc Ma của 35 năm trước, có những câu chuyện, kỷ vật đã hóa thành bất tử. Trong đó, những lá thư viết vội của các anh vẫn còn lưu truyền hậu thế.
Bức thư cuối cùng
“Ninh em! Trước khi đi đảo anh đã gửi thêm cho em 10 ngàn đồng theo đường bưu điện. Hôm nay anh gửi quần áo cho Hà con nữa (Phan Huy Hà, con trai - PV). Bưu điện sẽ báo 3 đợt, 2 đợt bưu kiện và 1 đợt tiền. Em đón nhận nghe em”. Đó là những dòng thư cuối cùng được liệt sỹ Phan Huy Sơn (SN 1963) viết vội vào ngày 10/3/1988, trước khi ra đảo và đã hy sinh.
Cầm lá thư đã ngả màu cát, được ép plastic trên tay, bà Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Sơn xúc động nói: “Như một dự cảm không lành, bởi không thể ngờ rằng chỉ mấy ngày sau, anh cùng đồng đội đã hy sinh. Đây là kỷ vật rất quý giá, thiêng liêng mà anh để lại và nó sẽ gắn bó với mẹ con tôi suốt cả cuộc đời này”.
Dù đã 82 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nhị vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết về người con anh hùng Lê Bá Giang
Ngôi nhà tình thương của bà Ninh nằm khuất sau ngõ nhỏ, giữa thôn quê bình yên ở xóm Tân Phong, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lật giở những kỷ vật về liệt sĩ Phan Huy Sơn được gói ghém cẩn thận, bà Ninh chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi cùng tuổi, sau khi học xong cấp 3, cuối năm 1981 thì cưới nhau. Được 4 tháng, anh lên đường nhập ngũ và được cử đi học y sĩ.
Hoàn thành việc học, anh được điều ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển của Tổ quốc. Năm 1984, đứa con trai đầu lòng chào đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ khiến vợ chồng như đứt từng khúc ruột”.
Ngày vợ sinh con, người lính Phan Huy Sơn được đơn vị cho về phép thăm vợ con. Nhưng niềm vui lại hóa nỗi buồn khi đứa con sinh ra 4 ngày không khóc, 7 ngày không bú, hơn 3 năm mới biết đi. Sau này đi khám mới biết con trai Phan Huy Hà bị thiểu năng trí tuệ. Giấu nỗi đau gia đình, người lính lại ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng.
Ở đảo Song Tử Tây 2 năm, anh được nghỉ phép 4 tháng. Thế nhưng, khi còn 15 ngày nữa mới hết phép, đơn vị điện ra bảo phải vào gấp để đi tăng cường cho đảo. Thế là anh lại tạm biệt vợ con lên đường. Trong thời gian đó, bà Ninh mang thai người con thứ hai.
“Năm 1988, tôi sinh cô con gái thứ hai. Cũng năm này, anh Sơn cùng đồng đội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma. Lúc hy sinh, ngay cả mặt đứa con gái anh cũng chưa biết…”, bà Ninh nghẹn ngào, tiếp lời: “Ngày đó, tôi đang đi làm ngoài đồng, nghe loa phát thanh thông báo có 64 người hy sinh tại Gạc Ma. Tôi sững người khi đó là hải trình mà anh mới lên tàu hôm trước. Lúc ấy cả trời đất như sụp xuống. Đến năm 1989, gia đình nhận được giấy báo tử của anh”.
“Đến bây giờ, vợ chồng chúng tôi biết không thể nào tìm được thi thể của con nữa, biển cả bao la đã ôm ấp lấy con và các đồng đội. Được hy sinh vì nước, vì dân thì ở đâu cũng đáng tự hào, vô cùng vinh quang”.
Bà Nguyễn Thị Nhị, 82 tuổi, ở Nghệ An
Giờ đây khi vết thương lòng dần nguôi ngoai, người con gái cũng đã đi lấy chồng, trong ngôi nhà tình nghĩa được đơn vị cũ của chồng xây tặng, bà Ninh vẫn lặng lẽ chăm sóc người con trai đầu.
Hy vọng được ra Trường Sa một lần
Lá thư thứ 2 liệt sĩ Phan Huy Sơn viết vội về nhà vào ngày 10/3/1988, trước khi hy sinh
Trong sự nỗ lực bảo vệ chủ quyền khiến 64 chiến sĩ hy sinh, có đến 8 người quê ở Nghệ An. Mỗi lần nhắc đến người con trai Lê Bá Giang (SN 1968) đã hy sinh, lòng bà Nguyễn Thị Nhị (82 tuổi, ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An) lại quặn lên.
Bà Nhị kể, bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Liệt sĩ Lê Bá Giang là con thứ hai. “Nó hiền lành, chăm chỉ, học giỏi. Ngoài giờ đi học, nó lăn ra đồng phụ mẹ...”, bà nói. Sau khi học xong lớp 10 (hệ 10/10), tháng 3/1987, Giang nhập ngũ. Sau ít tháng huấn luyện tại Quảng Ninh, Giang được nghỉ phép một tuần để về thăm gia đình. Đó cũng là lần cuối bà Nhị được nhìn thấy mặt cậu con trai.
Cuối năm 1987, gia đình nhận được tin nhắn Giang sẽ hành quân vào đơn vị ở Cam Ranh (Khánh Hòa), bằng tàu hỏa. Biết được con sẽ hành quân qua thành phố Vinh, ông bà rủ nhau mang vài chiếc bánh chưng còn nóng hôi hổi ra ga để đưa cho con. Dù tìm kiếm khắp nơi ông bà vẫn không thấy con ở đâu. Con tàu lăn bánh, ông bà trở về trong sự ngậm ngùi, nuối tiếc.
Chưa đầy một tháng sau, Giang hy sinh. “Hồi đấy, vợ chồng có nhận được một lá thư của con, đó là lúc Giang sắp cùng đơn vị hành quân ra Trường Sa. Nội dung bức thư rất ngắn gọn, dặn dò bố mẹ, các anh chị em giữ sức khỏe và hứa sẽ sớm trở về. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối cùng Giang gửi thư về”, bà Nhị nói.
Năm 1990, bà Nhị nhận được giấy báo tử, chiếc ba lô đã theo Giang suốt những chặng đường hành quân. Trong chiếc ba lô nhỏ ấy, chiếc áo len bà đan cho con được gói cẩn thận. Bà chỉ biết ôm lấy chiếc áo mà khóc thương con nằm lạnh dưới đáy biển sâu. Mỗi ngày trôi qua, bà vẫn hy vọng được ra Trường Sa một lần. Ra đó, bà sẽ đứng trên tàu thả xuống cho con cái bánh chưng hương vị ngày tết, cái bánh chưng đã lỡ hẹn với Giang trên đường hành quân cách đây hơn 35 năm…
Lễ tưởng niệm 35 năm ngày 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh diễn ra trang trọng, xúc động.
Nguồn: [Link nguồn]