3.000 tỷ đồng để giữ cân bằng giới tính
"Trong toàn bộ Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đề xuất từ năm 2013 đến năm 2020, dự kiến kinh phí đề xuất 3.000 tỷ đồng"- ông Dương Quốc Trọng, cho biết.
Trong buổi giao lưu trực tuyến “Đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái”, ngày 28/2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với T.S Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình.
PV: Thời gian qua, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Vậy hiện nay, một số tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên nữ, cụ thể ra sao thưa ông ?
TS. Dương Quốc Trọng: Để giải quyết vấn đề án mất cân bằng giới tính khi sinh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia Đình (DS-KHHGĐ) đã xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và triển khai tại 43 tỉnh, thành phố trong cả nước. Một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án là “khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, gia đình sinh con một bề là gái”.
Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều triển khai các hoạt động nêu trên, đặc biệt là việc tôn vinh những gia đình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ mà sinh con một bề là gái.
Tại Phú Yên còn tôn vinh các bà mẹ sinh con một bề mà sản xuất kinh doanh giỏi. Mỗi trường hợp được tôn vinh được tặng một món quà có ý nghĩa vinh danh. Có nơi còn được tặng giấy khen của UBND huyện. Tại Thái Bình, còn tặng mỗi gia đình sinh con một về một chiếc quạt cây trị giá 1 triệu đồng…
Vậy những chính sách, quy định mang tính hỗ trợ kinh tế đến với những gia đình sinh con một bề là gái khi nào được áp dụng thưa ông?
Tại các tỉnh, thành phố mới chỉ có các hoạt động (bao gồm cả quà tặng) mang tính tuyên truyền, tôn vinh. Những chính sách, quy định mang tính hỗ trợ kinh tế một cách trực tiếp với tất cả các đối tượng sinh con một bề là gái thì chưa. Chính vì vậy, chúng tôi mới có đề xuất này và đưa vào trong Đề án can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 và trình Chính phủ. Nếu được Chính phủ phê duyệt, chính sách sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Từ năm 2013 đến năm 2020, dự kiến kinh phí đề xuất 3.000 tỷ đồng để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. (Ảnh minh họa)
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với những gia đình sinh con một bề là nữ chỉ có giá trị tạm thời. Đôi khi trở thành sự an ủi vỗ về các gia đình sinh hai con gái, cũng có khi trở thành tác dụng ngược. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Trước nhất tôi phải nhấn mạnh rằng, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đã tìm ra 3 nhóm nguyên nhân và cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp tương ứng.
Trong đó nhóm giải pháp về tuyên truyền, vận động, giáo dục là nhóm giải pháp quan trọng nhất và bền vững nhất. Nếu như người dân không hiểu, không thay đổi được hành vi thì không thể giải quyết được vấn đề này. Nhưng do tư tưởng thích con trai đã có từ hàng ngàn năm nay nên việc thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi cần có thời gian chứ không thể một sớm, một chiều.
Nhưng nếu chúng ta không xử lý vấn đề này một cách quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì sẽ để lại những hệ luỵ rất lớn cho dân tộc và cho sự phát triển bền vững quốc gia.
Vì vậy, chúng ta phải có nhóm giải pháp thứ hai là khuyến khích, hỗ trợ kinh tế cho những người sinh con một bề là nữ. Tôi cho rằng, không ai vì đồng tiền mà từ bỏ ý định sinh con trai. Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có giá trị nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó.
Kết quả thống kê ở Việt Nam cho thấy những người từ 60 tuổi trở lên, cứ 1 cụ ông có 1,5 cụ bà; 80 tuổi, 1 cụ ông có 2 cụ bà; 85 tuổi, 1 cụ ông có 2,5 cụ bà.
Như vậy, ở VN hiện nay, về tỷ số giới tính trong toàn bộ dân số không có hiện tượng mất cân bằng (98,1 nam giới/100 nữ) nhưng đang có hiện tượng mất cân bằng giới tính một cách trầm trọng ở 2 cực của cuộc sống, trẻ em đang trong tình trạng “thừa” nam giới và người cao tuổi đang trong tình trạng “thiếu” nam giới.
Quan điểm của ông như thế nào với ý kiến cho rằng đề án này sẽ không khả thi?
Tôi cho rằng việc hỗ trợ này mang tính nhân văn. Kinh nghiệm của chúng ta trong những năm qua đã thấy rất rõ, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền, số người sử dụng các phương tiện tránh thai ta đều có sự hỗ trợ.
Ví dụ như người đặt vòng tránh thai thì ngoài việc miễn phí phương tiện tránh thai, miễn phí tiền thuốc, miễn phí công đặt, thậm chí lại còn được thêm tiền.
Người triệt sản được miễn phí toàn bộ, trong chu kỳ 2006 -2010 vừa qua mỗi trường hợp triệt sản đều được 200 nghìn từ nguồn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt các tỉnh miền Tây nam bộ đã huy động tới gần 1 triệu hỗ trợ cho người đi triệt sản.
Còn hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Bộ Tài chính và Bộ Y tế vừa kí, mỗi người triệt sản được 300 nghìn đồng. Từ trước đến giờ không ai nói rằng coi thường kế hoạch hóa gia đình trong đó có triệt sản. Vậy việc hỗ trợ cho người sinh con gái thì đây là hỗ trợ mang tính nhân văn và các quốc gia trên thế giới đều làm.
Riêng cá nhân tôi, tôi tin rằng giải pháp cơ bản lâu dài là tuyên truyền vận động giáo dục nhưng cái giải pháp ấy hiệu quả, kết quả chậm nhất.
Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích là giải pháp tình thế, khẳng định nó không phải là giải pháp mãi mãi nhưng nó mang ý nghĩa tức thì, có tác dụng sớm.
Chính sách hỗ trợ sinh con 1 bề là gái sẽ chiếm 1 ngân sách nhất định nhưng so với tổng thể ngân sách nhà nước, so với sự phát triển của đất nước thì lại là nhỏ. Trong toàn bộ Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đề xuất từ năm 2013 đến năm 2020, dự kiến kinh phí đề xuất 3.000 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!