300 Mẹ Việt Nam anh hùng về Thủ đô và những chia sẻ xúc động
Chiều 23/7, 300 Mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho gần 5.000 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về Thủ đô chuẩn bị tham dự Chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 diễn ra từ ngày 23 đến 25/7 tại Hà Nội.
Clip: Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thái, 80 tuổi (Thái Nguyên) chia sẻ về cuộc đời đầy cảm động
Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Bé, 97 tuổi (Bắc Cạn) có 11 người con nhưng có 2 con là liệt sĩ được nhân viên hậu cần chăm sóc tận tình khi vừa đặt chân tới Thủ đô.
Nhân hậu, gần gũi, tình cảm và ấm áp là những cảm nhận đầu tiên về các Bà mẹ VNAH mà phóng viên ghi nhận được.
Huân chương Mẹ Việt Nam anh hùng được cài trên ngực của các mẹ.
Dù tuổi cao sức yếu nhưng các mẹ vẫn cảm thấy rất vui được về Hà Nội gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước.
Mẹ VNAH cao tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Sự, 103 tuổi (xóm Múc, xã Hợp Thành, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đang được con dâu nói sát tai để nghe cho rõ.
Dù tuổi đã cao, nhưng mẹ Sự vẫn tinh anh, sức khỏe vẫn bền bỉ khi trò chuyện với phóng viên Dân Việt.
Trong trí nhớ không còn nguyên vẹn, mẹ kể lại kỷ niệm ngày còn tham gia kháng chiến: "Ngày ấy khổ lắm, đâu đâu cũng đói khát. Chồng đi kháng chiến, tôi một tay nuôi 7 người con, vừa nuôi con vừa phải tham gia hỗ trợ cách mạng. Ngày thì đi làm ruộng, tối đến thì đi làm liên lạc cho cách mạng, họp hành nhiều lắm. Thế nhưng tôi vẫn cố vì nghĩ sẽ có ngày đất nước được độc lập, các con mình được ăn học no đủ nên quyết tâm lắm" - bà Sự kể.
Dáng vẻ gầy gò, đôi bàn tay nhăn nheo, gương mặt nhân hậu trong phút trầm ngâm kể về quá khứ.
Cũng như nhiều mẹ khác, Mẹ Sự đã đóng góp công sức, và cả những người con cho Tổ quốc. Mẹ có 2 người con hy sinh, một người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, một người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Người phụng dưỡng mẹ Sự cho biết, dù tuổi cao, sức cũng đã yếu nhiều nhưng mẹ vẫn tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Ở nhà mẹ vẫn quét dọn, tự sinh hoạt, hỗ trợ con cái trong công việc nhà.
Trong những giây phút trò chuyện ngắn ngủi nhưng vô cùng xúc động, phóng viên Dân Việt tạm chia tay mẹ Sự để mẹ được nghỉ ngơi.
Đây là lần gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng quy mô nhất từ trước tới nay, nên công tác đón tiếp, phục vụ và tổ chức các hoạt động bên lề được tổ chức chu đáo.
Cận kề kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, mẹ Ngô Thị Quýt, 95 tuổi (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) tâm sự với PV về câu chuyện cuộc đời mẹ. Mẹ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và 1 con là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Quýt cũng là người hoạt động kháng chiến, từng bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo. Mẹ kể, sau khi kết hôn không lâu cả mẹ và chồng đều đi hoạt động cách mạng. Năm 1948 chồng mẹ hy sinh, lúc đó con trai của mẹ mới 3 tuổi. Mẹ để lại con cho ông bà ngoại nuôi tiếp tục sự nghiệp hoạt động kháng chiến.
Sáng 24/7, các Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự buổi gặp mặt do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì. Đặc biệt, Chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) vào sáng 25/7.
Ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh số 36L/CTN công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước...
Nguồn: [Link nguồn]