30 Tết đi chợ quê truyền thống ở Thủ đô
Ngày cuối cùng của năm, các ngả đường dẫn về chợ Sấu Giá đều tấp nập người qua lại, tiếng cười nói rôm rả khắp khu chợ.
Chợ Sấu Giá (Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) họp bên ngồi đình làng cổ kính, là một trong số ít chợ ngoại thành Hà Nội còn lưu giữ được nét nguyên sơ, chân chất của phiên chợ quê.
Khác với nơi phố thị sắm Tết trước nhiều ngày, người dân quanh vùng chợ Sấu Giá thường đợi đến đúng ngày 30 Tết mới đi mua sắm những đồ còn thiếu. Chẳng thế mà chợ họp tất cả các ngày trong tuần nhưng cứ đúng đến ngày cuối của năm mới là lúc đông nhất. Chợ họp đông từ 5h sáng đến 6h chiều.
Chợ đủ mặt hàng từ hạt tiêu ướp thịt bánh chưng, thảo quả nấu chè, trầu cau cho đến thịt gà thịt lợn…
Dạo một vòng quanh chợ, không khó để bắt gặp hình ảnh quen thuộc ở miền quê Bắc Bộ. Những cụ già áo nâu sòng, miệng bỏm bẻm nhai trầu, người đem dăm quả bưởi, nải chuối hay mấy nhánh cau ra chợ bán. Người làm ruộng áo lấm bùn đất, vội vã ra chợ mua thêm cân thịt, mớ rau củ chuẩn bị bữa cơm tất niên.
Một số hình ảnh không khí Tết ở chợ quê Sấu Giá:
Chợ đông nhất vào ngày 30 Tết
Người dân cắt rau củ từ cánh đồng gần chợ và trực tiếp bán
Dăm quả bưởi, đôi nải chuối vườn nhà cũng tạo thành một quầy hàng nhỏ
Về chợ Sấu Giá, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cụ già bán vài quả cau, lá trầu, miệng bỏm bẻm nhai, sẵn lòng mời bổ cau mời khách.
Nhiều người làng Sấu Giá vẫn giữ thói quen ăn trầu, coi “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên việc lựa chọn quả cau ngon nhâm nhi trong ngày Tết được các bà, các mẹ đặc biệt chú ý
Mâm ngũ quả ở vùng quê thường có quất vàng gắn vào nải chuối xanh, ngày 30 nhiều người mua quất để quả được tươi hơn trong 3 ngày Tết
Chợ bán cả tiêu nguyên hạt, ai mua người bán mới bắt đầu xay
Ngày 30 Tết, nhiều người mới đi sắm gà để cúng sang canh
Trẻ em được bố mẹ dắt đi chơi chợ Tết và mua sắm thêm quần áo
Cụ già ra chợ để cảm nhận không khí Tết và mua vài món đồ nhỏ như cuộn kim chỉ
Nhiều người vẫn kịp mua cành đào “vét chợ” về chơi Tết