3 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương thêm 0,8 lần

Sự kiện: Tin nóng

Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.

Ngày 22-9, Chính phủ đã ban hành quyết định 19/2022 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

Quyết định này quy định rõ mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng 1,8 lần mức lương đối với CBCCVC do Nhà nước quy định. Quy định này được áp dụng đối với một số đối tượng trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, CBCCVC và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân. Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành LĐ-TB&XH.

Quyết định này cũng nêu rõ tiền lương tăng thêm 0,8 lần nêu trên không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.

Số tiền tăng thêm này cũng không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Về mức chi phí quản lý BHXH (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), BHTN, quyết định cũng nêu rõ thực hiện theo quy định Nghị quyết 09/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, mức chi phí quản lý BHXH bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH. Trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.

Mức chi phí quản lý BHTN bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHTN) được trích từ quỹ BHTN. Trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.

Mức chi phí quản lý BHYT theo quy định của Luật BHYT bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 3,5% tiền đóng BHYT, được trích từ quỹ BHYT. Trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11-2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024. Riêng việc chi trả tiền lương tăng thêm 0,8 lần thực hiện theo quy định trên.

Liên quan đến cơ cấu chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024 sẽ gồm ba nhóm nhiệm vụ chi.

Thứ nhất, chi nhiệm vụ chuyên môn về tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia, quản lý người thụ hưởng, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thu, chi, thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, chi ứng dụng công nghệ thông tin, chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ ba, chi hoạt động bộ máy của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và các đơn vị được giao thực hiện chính sách BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc ngành LĐ-TB&XH.

Nguồn: [Link nguồn]

5 bảng lương mới khi thực hiện chế độ tiền lương mới

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ có 5 bảng lương mới với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Thảo ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN