3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng vừa bị khởi tố sẽ bị xử lý ra sao?
Chiều 1-12, cơ quan tiến hành tố tụng tại TP. HCM đã ra Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở đối với 3 trợ lý của bị can Nguyễn Phương Hằng. Vậy, với vai trò giúp sức, những cá nhân này sẽ bị xử lý ra sao?
3 trợ lý của bị can Nguyễn Phương Hằng vừa bị khởi tố là Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân.
Những cá nhân này đã giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Trước đó, ngày 24-3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015.
Cơ quan công an tống đạt Quyết định khởi tố đối với Lê Thị Thu Hà
Kết quả điều tra mở rộng vụ án đến nay, cơ quan công an xác định các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Mai Nhi (SN 1983, trú tại quận 12, TP. HCM); Lê Thị Thu Hà (SN 1992, trú tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); Huỳnh Công Tân (SN 1994, trú tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần.
Việc giúp sức thể hiện qua việc tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để Nguyễn Phương Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ Hằng khi đối tượng này trực tiếp livestream...
Cơ quan công an tống đạt Quyết định khởi tố đối với Nguyễn Thị Mai Nhi
Việc giúp sức của 3 cá nhân trên chỉ dừng lại khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Về chế tài xử lý các đối tượng này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Trong đó, người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã xảy ra. Tuy vậy, theo Điều 58 BLHS 2015, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
So với hành vi của người tổ chức, người giúp sức và người thực hành thì hành vi của người giúp sức có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội hạn chế hơn. Vì hành vi giúp sức chỉ tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn chứ không quyết định trong việc thực hiện tội phạm. Do vậy, trách nhiệm hình sự của người giúp sức thường hạn chế hơn so với các đồng phạm khác.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 54 BLHS 2015, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, những cá nhân giúp sức Nguyễn Phương Hằng cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Tuy nhiên, căn cứ vào vị trí, vai trò, tính chất, mức độ tham gia phạm tội của từng cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét áp dụng chế tài phù hợp, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định - Luật sư Hồng Vân nhận định.
Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở với 3 bị can giúp sức cho bà Hằng.
Nguồn: [Link nguồn]