3 trẻ chết sau tiêm: Hồi hộp chờ nguyên nhân

Theo dự kiến, 14 giờ chiều nay (22/7), các ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị, Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, để thông báo kết quả điều tra ban đầu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.

Trong khi đó đã có nhiều luồng dư luận hoài nghi về chất lượng vắc-xin cũng như những băn khoăn liệu có nên tiêm vắc-xin cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h đầu sau sinh?

Có nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trong 24h đầu sau sinh?

Trả lời báo chí, GS.TS Nguyễn Khắc Mẫn, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc-xin sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) nhận định, vắc-xin viêm gan B rất ít khi gây ra phản ứng nặng.

Việc 3 trẻ tử vong ngay sau tiêm ngay tại một nơi, trên cùng một lô vắc-xin, là rất đáng lo ngại. Còn GS.TS Nguyễn Đình Bảng - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc-xin và sinh phẩm y tế quốc gia, cho rằng cần xem lại quy trình tiêm chủng và cân nhắc việc thay đổi lịch tiêm vắc-xin viêm ban B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. “Tôi nghĩ việc thực hiện tiêm chủng đối với vắc-xin này chưa hợp lý chứ không nghi ngờ về chất lượng vắc-xin. Lọ vắc-xin được bảo quản trong tủ lạnh, vì vậy, cần phải làm ấm trước khi tiêm cho trẻ, nếu không trẻ có thể bị sốc vì lạnh, nhất là với trẻ vừa sinh”, GS Bảng phân tích.

Theo GS Bảng, không nên tiêm vắc-xin cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh mà nên thực hiện mũi tiêm đầu tiên khi trẻ đã được 2 - 3 tháng tuổi để tránh những tác động lạ khi đứa trẻ mới chào đời. “Rất khó tìm nguyên nhân phần lớn vụ phản ứng sau khi tiêm vắc-xin. Khi khám sàng lọc nước tiêm phải thực hiện đầy đủ các bước như cân nặng, sức khỏe, có cơ địa dị ứng hay không, kỹ thuật tiêm, chỉ định tiêm, nhưng chúng ta thường ít lưu ý và thường bỏ qua. Nếu kiểm tra đầy đủ thì có thể tìm ra được nguyên nhân”, GS Bảng lưu ý.

3 trẻ chết sau tiêm: Hồi hộp chờ nguyên nhân - 1

 Người nhà đau đớn trước cái chết của cháu bé

Ông Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trung bình mỗi năm có 10 - 12 trường hợp phản ứng nặng dẫn đến tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Con số này còn tăng vọt kể từ năm 2012, với chuỗi phản ứng liên quan đến vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem (từng bị tạm dừng để điều tra nguyên nhân và được đề nghị sử dụng lại vào tháng 6).

Điều đáng nói, trước đó, đã có 9 trường hợp trẻ em bị tai biến, tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem. Đây là loại vắc-xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ tháng 6/2010, áp dụng tiêm miễn phí cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi. Vắc-xin này do Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ đến hết năm 2015.  Sau khi liên tục có những ca tai biến, tử vong ở trẻ em sau tiêm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế nên ngừng sử dụng ngay loại vắc-xin này để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em tiêm chủng. Nhưng phải đến khi cháu bé thứ 5 tử vong, Bộ Y tế mới ra quyết định tạm ngừng sử dụng loại vắc-xin này. Và chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 20/6, Bộ Y tế ngay lập tức đề nghị sử dụng loại vắc-xin này.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai cho rằng, quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là tiêm vắc-xin viên gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, tuy nhiên không thể áp dụng một cách cứng nhắc với tất cả các trường hợp mà trước khi tiêm bác sĩ cần phải khám cẩn thận cho tất cả các bé. Sau khi khám, nếu bác sĩ khẳng định trẻ không bị bệnh gì, sức khỏe tốt thì mới tiêm mũi vắc-xin viêm gan B, lý do vì ngày đầu sau sinh của trẻ có diễn biến rất khó lường. Thực tế có những trẻ sinh ra có khóc, bú tốt, nhưng chỉ sau 6 - 12 giờ đã bị suy hô hấp. Nếu không theo dõi kỹ sức khỏe của trẻ mà tiêm vắc-xin luôn trong thời gian này, có thể trẻ bị tai biến hoặc tử vong là do bệnh chứ không phải do vắc-xin nhưng chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp.  

Một số chuyên gia khác về tiêm chủng khuyến cáo, không nhất thiết phải tiêm mũi viêm gan B ngay 24 giờ đầu sau sinh mà có thể tiêm trong tháng đầu sau sinh, khi đứa trẻ đã cứng cáp hơn để giảm thiểu tỷ lệ tai biến.

Hồi hộp chờ nguyên nhân

Ngay trong tối 21/7, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư dẫn đầu đã đến Quảng Trị. Đoàn đã lập tức có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị để nắm thêm thông tin.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị báo cáo rằng, hai lô vắc-xin V-GB 020812E và V-GB 030812E (ba liều đã tiêm cho ba trẻ tử vong thuộc hai lô này) được cấp theo chương trình tiêm chủng mở rộng về Quảng Trị với 8.000 liều, đã được phân bổ về các cơ sở tiêm chủng 3.600 liều và hiện vẫn còn khoảng 4.400 liều. Phía đoàn chuyên gia chưa có bình luận gì về nguyên nhân vụ ba cháu bé sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B tại H.Hướng Hóa mà chủ yếu chỉ lắng nghe báo cáo và đặt một số câu hỏi liên quan.

Ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nhận định ban đầu từ phía các cơ quan chức năng địa phương qua việc khám nghiệm ban đầu, có thể ba trẻ tử vong do sốc phản vệ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân cuối cùng. Hiện tỉnh Quảng Trị đã thông báo về toàn tuyến y tế cơ sở dừng việc tiêm chủng lô vắcxin nói trên.

Nguyên nhân dẫn đến 3 cháu bé sơ sinh chết sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, vẫn còn chờ đến chiều nay (22/7).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Trân – Bảo Vy – Minh Hiển ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN