3 trẻ chết sau tiêm: Do nhầm thuốc co tử cung?

Thông tin từ một tờ báo gây rúng động ngành y tế và dư luận cả nước: Ba trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị) vào ngày 20/7/2013 là do nhầm thuốc co hồi tử cung...

Đến cuối ngày 25/10, phía cơ quan điều tra lẫn Bộ Y tế vẫn chưa chính thức công bố kết luận về vụ việc này.

Công an còn “bí mật”, bệnh viện bác bỏ

Thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Quảng Trị, khẳng định vẫn chưa có kết luận điều tra cuối cùng mặc dù công an tỉnh đã nhận được kết quả xét nghiệm các mẫu vắc-xin, mẫu bệnh phẩm… từ cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Y tế từ lâu. Ông Công từ chối cung cấp thông tin về kết quả kiểm nghiệm này vì có một số vấn đề đang “bí mật”. Hiện Công an tỉnh Quảng Trị vẫn đang phối hợp với Bộ Công an tích cực điều tra, làm rõ.

Về thông tin 3 trẻ tử vong do bị tiêm nhầm thuốc Oxytocin (thuốc có chức năng gây co hồi tử cung), thượng tá Lê Quang Công nói: “Báo lấy thông tin riêng từ đâu không rõ, chúng tôi không biết. Nếu rõ ràng là như thế thì chúng tôi đã khởi tố bị can, bắt giam bị can ngay chứ không phải kéo dài điều tra như thế này nữa”. Trước đó, vào ngày 10/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án này để điều tra với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Hướng Hóa, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan tới vụ 3 trẻ tử vong từ cơ quan điều tra. Về khả năng 3 trẻ tử vong do nhân viên y tế lấy nhầm thuốc Oxytocin, ông Thiện cho rằng: “Đúng là sáng hôm đó (20/7/2013) mất điện, trời có mưa giông nhưng không thể có chuyện nhân viên y tế lấy nhầm thuốc do trời tối. Tại BV chúng tôi, vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ được bảo quản trong tủ lạnh còn thuốc Oxytocin được bảo quản bình thường chứ không bỏ trong tủ lạnh, để cách xa nhau. Hai loại thuốc này có hình dạng khác nhau và đều do y tá Nguyễn Thị Thuận lấy ra tiêm cho các cháu”.

Cũng theo ông Thiện, vào thời điểm xảy ra vụ 3 trẻ tử vong, tại BV này sử dụng loại thuốc Oxytocin do Nga sản xuất. Loại này có dạng ống với dung tích 1 ml, trước khi tiêm phải bẻ ống để lấy thuốc và không bảo quản trong tủ lạnh. “Khi đó, chúng tôi chỉ bảo quản vắc-xin ngừa viêm gan B chung tủ lạnh với loại huyết thanh chống uốn ván (SAT) dạng ống cùng một số thuốc dùng hạ sốt loại nhét hậu môn” - ông Thiện khẳng định.

3 trẻ chết sau tiêm: Do nhầm thuốc co tử cung? - 1

Đại diện Bộ Y tế làm việc với BV Đa khoa Hướng Hóa sau khi vụ 3 trẻ tử vong xảy ra. Ảnh: Quang Nhật

Chỉ nhầm khi “đốt cháy” quy trình

Cũng trong ngày 25/10, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không tỏ ra bất ngờ về thông tin tiêm nhầm thuốc. Theo bà Tiến, việc tiêm nhầm thuốc cho trẻ em đã từng gặp ở một số nước trên thế giới.

Giới chuyên môn cho rằng nếu có xảy ra sự việc tiêm nhầm là do nhân viên y tế đã bỏ qua quy trình. Theo quy định, trước khi tiêm thuốc hay vắc-xin, nhân viên y tế phải thực hiện đúng nguyên tắc “3 tra, 5 đối”. Trong đó “3 tra” là kiểm tra tên tuổi bệnh nhân, tên thuốc và liều lượng thuốc; còn “5 đối” là đối chiếu số buồng, giường hoặc địa chỉ bệnh nhân, đơn thuốc, nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc và chất lượng thuốc. “Nếu nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc quy trình này thì không có chuyện tiêm nhầm, ngay cả khi thuốc và vắc-xin được để chung trong một tủ bảo quản” - một bác sĩ phân tích.

Trong khi đó, theo một dược sĩ, việc tiêm nhầm thuốc và vắc-xin có thể xảy ra nếu như hình dáng bên ngoài của hộp thuốc và vắc-xin tương đối giống nhau, còn nhân viên y tế thì “đốt” quy trình trước khi tiêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc chứa thành phần Oxytocin có nhiều tên gọi, một số loại có hình dáng, màu sắc nắp lọ rất giống vắc-xin viêm gan B do Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 sản xuất. “Bảo quản thuốc Oxytocin cũng phải trong tủ mát ở nhiệt độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất chứ không bảo quản trong nhiệt độ môi trường bình thường” - một lãnh đạo BV Phụ sản Trung ương cho biết.

Rất khó xảy ra nhầm lẫn

Cùng ngày, nhiều chuyên gia sản khoa đã tỏ ra khá bất ngờ về thông tin này. BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ, cho biết Oxytocin là loại thuốc làm co hồi tử cung, được ứng dụng trong trường hợp cần kích thích gây chuyển dạ, thúc sinh ở người bị chuyển dạ kéo dài hoặc bị đờ tử cung, dùng sau sinh để phòng hoặc điều trị băng huyết sau sinh… Thuốc này và vắc-xin viêm gan B thường được bảo quản khá riêng biệt tại đơn vị chuyên trách, ở các tủ khác nhau và có hướng dẫn, ghi chú cụ thể. Hơn nữa, 2 loại thuốc trên cũng có bao bì khác nhau nên theo BS Hải, sự nhầm lẫn hầu như không thể xảy ra.

Hiện nay, trên thị trường, Oxytocin được bán dưới dạng hộp gồm nhiều ống thuốc (nhỏ hơn ngón tay người lớn), là một dung dịch tiêm được sử dụng cho sản phụ thông qua hình thức truyền tĩnh mạch nhỏ giọt hoặc bơm truyền, tùy vào nhu cầu điều trị. Khi sử dụng, nhân viên y tế sẽ ngắt đầu ống thuốc (bằng thủy tinh) để mở ống thuốc. Trái lại, vắc-xin viêm gan siêu vi B thường được sản xuất dưới dạng lọ nhỏ, có nắp đậy bằng cao su, kích thước lớn hơn và hình dáng hoàn toàn khác nên rất khó gây nhầm lẫn với Oxytocin.

A.Thư

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật - Ngọc Dung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN