3 nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí tăng đột biến tại TP.HCM

Sự kiện: Thời sự

Trước tình trạng ô nhiễm, cơ quan chức năng TP.HCM khuyên người dân hạn chế ra ngoài hay tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm...

Bức ảnh so sánh cùng một vị trí tại hai thời điểm chụp. Vào ngày 21/9 khối cao ốc phía sau đã "biết mất" do lớp mù dày đặc (ảnh dưới).

Bức ảnh so sánh cùng một vị trí tại hai thời điểm chụp. Vào ngày 21/9 khối cao ốc phía sau đã "biết mất" do lớp mù dày đặc (ảnh dưới).

Ngày 9/10 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố kết quả quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn TP trong những ngày vừa qua.

Sau khi phân tích các chỉ số đưa về, Sở TN&MT xác định có 3 nguyên nhân chính khiến tình hình ô nhiễm không khí có xu hướng tăng so với năm 2019, cụ thể:

Thứ nhất, do hoạt động giao thông: Theo số liệu thống kê, thành phố hiện có khoảng 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ôtô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác đưa tới.

Trong số này nhiều phương tiện không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.

Thứ hai, do các hoạt động công nghiệp: Ước lượng hiện nay thành phố có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Trừ một số nhà máy xí nghiệp nằm trong các khu công nghiệp tập trung hoăc nằm tại khu vực xa dân cư, còn lại hầu hết các cơ sở sản xuất nhất là các cơ sở sản xuất tiểu – thủ công nghiệp đều nằm xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến đông đảo người dân đô thị.

Thứ ba, do các hoạt động xây dựng: Hiện thành phố đang ở giai đoạn cải tạo, chỉnh trang đô thị vì vậy các hoạt động xây dựng diễn ra khắp nơi và hầu như hoạt động suốt ngày đêm.

Các hoạt động như phá dỡ, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng, các thiết bị máy móc phục vụ hoạt động xây dựng… gây ra ô nhiễm không khí và tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Để giảm được nguyên nhân do phương tiện giao thông, theo Sở TN&MT cần tăng mật độ đường, tỷ lệ đất dành cho giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, metro và mở rộng các tuyến đường vành đai, cao tốc.

Với các hoạt động công nghiệp, Sở đề nghị thường xuyên giám sát các nguồn thải bằng cách lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở để thoe dõi, đồng thời khuyến khích các mô hình sản xuất sạch.

Ở hoạt động xây dựng, Sở đề xuất sử dụng các vật liệu thân thiện, giãn dân và tăng các mảng xanh, hồ nước… nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào ban đêm.

Bầu trời trắng đục tại TP.HCM trong những ngày ô nhiễm

Bầu trời trắng đục tại TP.HCM trong những ngày ô nhiễm

Trả lời câu hỏi về việc công bố kết quả quá chậm, ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường – Sở TN&MT) cho rằng lý do là phương pháp đang áp dụng cần nhiều thời gian phân tích mẫu.

Về các thông số do Air Visual đưa ra, ông Sơn nhận định có sai số khá nhiều do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết bất lợi về nhiệt độ, áp suất, ánh sáng… Ông cũng khẳng định phương pháp mà Trung tâm thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn của Bộ TN&MT nên hoàn toàn đáng tin cậy.

Các khuyến cáo khi xuất hiện hiện tượng mù quang hóa (ô nhiễm không khí)

- Hạn chế ra ngoài, hay tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm.

- Khi tham gia giao thông đặc biệt là trên các đường xa lộ, cao tốc người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù… để đảm bảo an toàn giao thông.

- Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý.

- Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống.

- Hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa.

Ô nhiễm không khí, Hà Nội khuyên người dân nên làm điều này mỗi khi ra đường

Vị đại diện UBND TP Hà Nội cho rằng bước vào giai đoạn chuyển mùa, trong nhiều năm nay trên địa bàn thành phố thường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Vũ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN