3 lý do khiến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm so với kế hoạch

Sự kiện: Thời sự

Có ba nguyên nhân khiến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ so với kế hoạch, đó là vướng mặt bằng, thiếu cát và nhà thầu chưa tập trung.

Chiều 28-2, tiếp tục chuyến kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm có buổi làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị thi công.

Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm trưởng đoàn làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: BT

Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm trưởng đoàn làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: BT

Theo báo cáo của BQL dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), vướng giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu, đặc biệt là thiếu cát, đang là hai khó khăn lớn nhất của dự án. Theo đó, tính đến thời điểm này các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã bàn giao 99% mặt bằng, còn vướng 73 hộ.

Về tiến độ thi công, đến nay tổng sản lượng xây lắp toàn dự án đến nay đạt 22%, chậm so với kế hoạch. Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chậm khoảng 2,5 tháng, còn đoạn Hậu Giang - Cà Mau chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.

Chủ đầu tư cũng cho biết các nhà thầu đã đào hữu cơ tuyến chính đạt khoảng 93%, cạnh đó, đắp nền cát khoảng 61% và đắp cát đường công vụ được khoảng 81%. Ngoài ra, các đơn vị đã triển khai thi công 88 trong số 126 cầu trên tuyến chính và dự kiến sẽ đổ bê tông mặt cầu trong năm 2024.

Về nhu cầu cát, dự án cần hơn 18 triệu m3 cát, nhưng đến nay các địa phương chỉ mới bố trí được khoảng 16 triệu m3. Hiện đã xong thủ tục để khai thác khoảng 11 triệu m3, tuy nhiên, dự án chỉ mới tiếp nhận khoảng 2,3 triệu m3 cát.

Một nguyên nhân khác làm chậm tiến độ thi công cao tốc, đó là nhà thầu chưa tập trung thi công cầu. Đồng thời, chưa quyết liệt, khắc phục khó khăn, tìm giải pháp thi công và huy động thiết bị chưa kịp thời, chưa đủ như cam kết.

Các đơn vị thi công đã triển khai thi công 88 trong số 126 cầu trên tuyến chính và dự kiến sẽ đổ bê tông mặt cầu trong năm 2024. Ảnh: BT

Các đơn vị thi công đã triển khai thi công 88 trong số 126 cầu trên tuyến chính và dự kiến sẽ đổ bê tông mặt cầu trong năm 2024. Ảnh: BT

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận xét tiến độ của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện còn chậm. Cạnh đó, công tác tổ chức thi công của một số nhà thầu còn chưa khoa học, việc huy động thiết bị, nhân lực của nhà thầu chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ GTVT lưu ý các nhà thầu, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, dự án này phải cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Do đó, ông Lâm yêu cầu các nhà thầu bám sát kế hoạch đã đề ra, đồng thời, phải bổ sung thiết bị, nhân lực và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Ông Lâm cũng yêu cầu chủ đầu tư cùng các nhà thầu tiếp tục phối hợp với các địa phương, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 3-2024. Mặt khác, nhanh chóng hoàn thành các thủ tục khai thác đối với các mỏ cát được cấp cho dự án để sớm đưa cát về công trường.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng; đi qua địa bàn TP Cần Thơ và bốn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, với hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án khởi công ngày 1-1-2023, được chia thành hai dự án thành phần, trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỉ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.150 tỉ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh vạch sơn giữa lề đường với làn xe chạy để tăng năng lực khai thác trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÂU ANH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN