3 lý do giúp bà Clinton “giật ghế” Tổng thống Mỹ
Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định và đi lên từ nay đến năm 2016, bà Clinton chắc chắn sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Ngày 12/4, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton đã chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 bằng một đoạn video đầy ấn tượng được tung lên YouTube cùng với lời nhắn nhủ gửi tới cử tri: “Tôi muốn là nhà vô địch của các bạn mỗi ngày”.
Theo các chuyên gia phân tích, nếu nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái trong 1,5 năm tới, chắc chắn bà Clinton sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, và lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ có một nữ Tổng thống, bởi những lý do sau đây:
1. Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của đảng Dân chủ: Trong những kỳ bầu cử Tổng thống gần đây, nước Mỹ đã chứng kiến một hiện tượng gọi là “thế thượng phong của đảng Dân chủ”, và nhiều người cho rằng đảng Dân chủ chỉ bị đảng Cộng hòa đánh bại trong những điều kiện “thiên thời, địa lợi” nhất định.
Mặc dù vừa bị thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vừa qua và đánh mất nốt quyền kiểm soát Thượng viện, song sức ảnh hưởng của đảng Dân chủ vẫn không hề giảm ở nước Mỹ, điều đó được thể hiện trong một cuộc khảo sát của hãng thăm dò Pew được thực hiện hồi tuần trước.
Bằng các phương pháp khảo sát toàn diện của mình, Pew được xem là một “thước đo vàng” trong các cuộc thăm dò chính trị, với tỉ lệ người tham gia rất cao và sai sót cực kỳ nhỏ. Cuộc khảo sát của Pew hồi tuần trước cho thấy sự ủng hộ của dư luận với đảng Dân chủ vẫn không hề thay đổi kể từ khi ông Obama tái đắc cử Tổng thống vào năm 2012 cho tới cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014.
Cuộc khảo sát của Pew cho thấy cảm tình của dư luận Mỹ dành cho đảng Dân chủ không hề thay đổi, điều thay đổi là sự ủng hộ của những cử tri đi bỏ phiếu. Chỉ cần bà Clinton khơi dậy được cảm tình này, chắc chắn bà sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Điểm mấu chốt trong hiện tượng “thế thượng phong của đảng Dân chủ” nằm ở việc các công dân trẻ tuổi của nước Mỹ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi những người lớn tuổi hơn ủng hộ đảng Cộng hòa. Bởi vậy, cứ mỗi mùa bầu cử qua đi, tỉ lệ ủng hộ đảng Dân chủ lại càng tăng lên.
Lập luận này được thể hiện rất rõ trong cuộc khảo sát của Pew. Những dữ liệu khổng lồ mà hãng thăm dò này thu thập được cho thấy những người trẻ tuổi (từ 18-33) ủng hộ đảng Dân chủ nhiều hơn bất cứ những người cùng độ tuổi ủng hộ các đảng khác, và tương đương với số người già ủng hộ đảng Cộng hòa.
2. Bà Clinton không có đối thủ xứng tầm: Dù là người không có tài diễn thuyết và lôi kéo đám đông như Tổng thống Obama, tuy nhiên bà Clinton hiện đang nổi lên như là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời chính trị Mỹ, bởi một lẽ đơn giản là các đối thủ được coi là “xứng tầm” với bà chưa hề xuất hiện.
Những cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Clinton trong dư luận Mỹ đã giảm một chút so với thời kỳ bà là Ngoại trưởng Mỹ, tuy nhiên nó vẫn được giữ ở mức cao và ổn định so với tỉ lệ không ủng hộ trong suốt cả sự nghiệp của bà.
Trong khi đó, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa lại không được nổi tiếng đến vậy. Ông Jeb Bush, người được cho là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa lại có tỉ lệ ủng hộ kém hơn bà Clinton rất nhiều:
Bởi vậy, có rất ít lý do để tin rằng bà Clinton có thể thua cuộc trước một đối thủ ít nổi tiếng hơn và không được dư luận quan tâm quá lớn như vậy.
3. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đang tăng trở lại: Yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016 là việc dư luận nước Mỹ có hài lòng với đường lối chính sách hiện nay của đảng Dân chủ, hay họ muốn trao cho đảng Cộng hòa một cơ hội.
Điều quan trọng hiện nay là uy tín của Tổng thống Obama đang tăng trở lại sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, khi tỉ lệ ủng hộ của dư luận Mỹ dành cho ông đã tăng 7 điểm, từ mức -10 lên -3, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc.
Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định và phát triển từ nay đến năm 2016, tỉ lệ ủng hộ ông Obama sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Mặc dù trên vũ đài chính trị hiện đại, danh tiếng chưa phải là chìa khóa dẫn tới chiến thắng, nhưng thành tựu kinh tế lại có sức nặng rất lớn trong quá trình “so bó đũa, chọn cột cờ” của cử tri. Ông Obama càng được người dân ủng hộ, bà Clinton càng được hưởng lợi trong cuộc chạy đua của mình.
Các chuyên gia phân tích chính trị phải thừa nhận rằng bà Clinton vẫn còn rất nhiều điểm yếu, và đó là lý do bà từng thất bại trong nỗ lực tranh cử năm 2008. Bà không thể hứa hẹn với cử tri về một sự thay đổi lớn, và bản thân bà cũng là một nhân vật quá quen thuộc.
Nếu bà Clinton trúng cử, đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục kiểm soát ít nhất một viện trong Quốc hội Mỹ, và tình trạng “bế tắc” trong quá trình lập pháp ở Mỹ vẫn có thể sẽ tiếp tục xảy ra.
Tuy vậy, có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận, đó là bà Clinton là lựa chọn tối ưu nhất cho nền chính trị Mỹ hiện nay. Cử tri Mỹ sẽ không thể còn có lựa chọn nào khác cho một Tổng thống có thể giải quyết hết những mong muốn của họ, hay nói cách khác, bà là lựa chọn “mặc định” cho những người Mỹ biết cân nhắc.
Trong lúc ứng cử viên Jeb Bush vẫn đang vật lộn để được chính thức đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống, bà Clinton nghiễm nhiên trở thành sự lựa chọn dễ dàng nhất, mặc dù không phải là hoàn hảo nhất, đối với đa số người dân Mỹ.