3 lý do gây ngập, lũ ngày càng nghiêm trọng
Biến đổi khí hậu, sụt lún, thủy triều cùng việc đô thị hóa ngày càng nhanh gây ngập, lũ ngày càng nghiêm trọng.
Diễn biến khí hậu ngày càng khắc nghiệt và sẽ còn nhiều trận mưa, ngập tiếp theo, đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để chung sống với nó?
Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, trao đổi về vấn đề này.
Phòng chống ngập chưa thống nhất
. Phóng viên: Tình trạng đô thị bị ngập diễn ra ở nhiều nơi và cụm từ “ngập lịch sử”, “mưa lịch sử” xuất hiện ngày càng nhiều... Đâu là lý do, thưa ông?
Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ
+ Ông Kỷ Quang Vinh: Ở ĐBSCL, các nhà khoa học đã xác định rõ có các vùng chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi; vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều; vùng giữa xen kẽ.
Vùng Trà Vinh, Sóc Trăng nằm ở cồn cát ven biển và có địa hình cao. Còn Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang ra đến Cái Lớn, Cái Bé là khu vực thấp, khi có thủy triều vào thì vùng này chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nước ở thượng nguồn về ngày càng ít, có những năm không vượt qua báo động I nhưng nghịch lý là ở Cần Thơ vẫn ngập cao.
Năm nay nước về có nhiều hơn nhưng chỉ là yếu tố bổ sung, không phải yếu tố tác động chính.
ĐBSCL là khu vực phẳng, ruộng còn nhiều (trừ khu đê bao ở thượng nguồn), nước dâng khỏi bờ tràn ra ruộng tạo khu tiêu thoát nước rất lớn, nếu có nước lũ lớn về thì cũng bị phân tán ra, tuy nhiên thủy triều thì nhiều hơn.
. Các nhà khoa học đã chỉ ra thực trạng và đưa các giải pháp nhưng có vẻ chúng ta phòng chống theo kiểu “be bờ, tát nước”?
+ Hơn 10 năm trước tôi đã đưa ra vấn đề về nghiên cứu đất lún, lúc đó sử dụng công nghệ vệ tinh châu Âu xác định quá khứ lún để đưa ra dự báo độ lún trong tương lai. Đa số ý kiến nghiêng về nguyên nhân lún do khai thác quá mức nước ngầm và cách xử lý rất đơn giản là không sử dụng nước ngầm.
Còn đối với nước ta rất khó để ngăn hai vấn đề này, nhất là ở ĐBSCL.
Cần Thơ trước đây có quy định không cho sử dụng nước ngầm trong công nghiệp, chỉ cho sử dụng trong hộ dân (dưới 5 m3/ngày) nhưng bị phản ứng dữ dội. Theo quy định địa phương, chỉ được cấp phép 60 m3/giờ, doanh nghiệp muốn cấp hơn thì Cần Thơ không cho. Nhưng nghịch lý là doanh nghiệp họ đi ra trung ương thì được cấp, rõ ràng ở đây không có sự đồng bộ giữa địa phương và trung ương.
Như ở Nhật, từ khi phát hiện bị lún thì họ ngưng toàn bộ việc khai thác nước ngầm, dầu, khí, sau 15 năm nền của họ đã được nâng lên 15 cm.
Còn mình thì cho rằng thời gian lâu quá, không có cơ sở nên không tin tưởng.
Thứ hai, đặc trưng ở ĐBSCL có rất nhiều đất sét, khi mưa xuống thì nước không thấm xuống tầng nước ngầm mà chảy ra sông, biển. Do đó chúng ta muốn xài nước ngầm phải sử dụng công nghệ bơm ép xử lý được nước ngầm.
Ở ĐBSCL có hai loại ngập là ngập tự nhiên (do mùa nước nổi), ngập đô thị (do xây dựng) và cần phải phân biệt rõ từng loại để có biện pháp phù hợp.
Ví dụ Đà Nẵng ở kế bờ biển, theo lý thuyết là không thể bị ngập nhưng hiện nay vẫn bị ngập là do thoát nước không kịp khi lượng mưa quá lớn. Còn Cần Thơ chỉ cần mưa hơn 20 mm là ngập và phải xem lại hạ tầng thoát nước, nâng cấp sao cho đủ năng lực thoát nước khi có những trận mưa lớn 50-80 mm.
Ngập tự nhiên mà dẫn đến ngập toàn ĐBSCL do mưa là không thể. Hiện nay ngập có ba yếu tố là thủy triều, nước biển dâng và sụt lún, trong đó thủy triều là yếu tố nguyên thủy, còn nước biển dâng và sụt lún là mới xuất hiện.
Công trình thi công dự án kè bờ sông Cần Thơ (đoạn phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) gần như chìm trong triều cường ngày 10-10. Ảnh: G.TUỆ
Nghiên cứu việc liên kết vùng thực chất
. Vậy giải pháp giải quyết vấn đề nước biển dâng và sụt lún như thế nào, thưa ông?
+ Giải pháp căn cơ phải chống lún và kết hợp đắp đê bao. Bởi nước mưa là nguồn hạn chế nhưng đối với thủy triều thì là nguồn vô tận, không thể nào chứa được.
. Cần Thơ đang trông chờ vào dự án 3 để giải quyết tình trạng ngập đô thị (kè, âu thuyền, hồ điều tiết) thì theo ông, liệu có hiệu quả?
+ Tôi nghĩ là có hiệu quả lúc đầu nhưng sau đó sẽ sớm lạc hậu. Bởi thực tế khi thực hiện công trình thì phải xem xét lại độ lún, mực nước biển dâng…
ĐBSCL lún đều đặn mỗi năm 2,5 cm Khoảng gần một tuần qua, nội ô TP Cần Thơ phải đối mặt với vấn đề ngập đô thị gây xáo trộn sinh hoạt của bà con. Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nguyên nhân chính là do con nước rằm tháng 9 âm lịch “đụng” với nước sông Mekong đạt đỉnh gây triều cường trên sông Hậu năm 2022 đạt đỉnh kỷ lục. Theo ông Thiện, trong năm thường có ba con nước ròng lớn nhất rơi vào rằm tháng 8, 30-8 và rằm tháng 9 âm lịch, trong đó con nước rằm tháng 9 âm lịch là lớn nhất. Thời điểm này thường trùng với nước trên sông Mekong đạt đỉnh, năm 2022 các yếu tố này cộng thêm bão khiến Cần Thơ và một số tỉnh ở ĐBSCL bị ngập nặng. Ngoài ra, tình hình ngập nặng thêm là do vùng ĐBSCL gần như không còn không gian để thủy triều lan tỏa. Nguyên nhân là hầu hết nhánh sông đều có đê ở hai bên nên khi thủy triều lên thì nước dâng cao trong lòng sông rồi tràn vào các đô thị. Mặt khác, hiện nước biển vẫn đang dâng đều đặn 30 mm/năm, như vậy so với năm 2019, nước biển dâng khoảng 90 mm. Hiện tượng sụt lún đồng bằng cũng đang diễn ra, mỗi năm khoảng 2,5 cm, như vậy trong ba năm qua đã lún thêm khoảng 7,5 cm. Đặc biệt, đối với các khu đô thị lớn như trung tâm TP Cần Thơ, tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn. Một trong những giải pháp là bỏ lúa vụ 3, giảm thâm canh để tăng không gian hấp thu lũ. CHÂU ANH |
. Vừa qua, những trận mưa lớn gây lũ lụt cục bộ khiến người dân trở tay không kịp thì theo ông, nguyên dân do đâu?
+ Tôi nghĩ có ba yếu tố. Thứ nhất là mưa quá lớn trong thời gian ngắn. Thứ hai là thủy triều nước biển dâng. Thứ ba là khi có bão, nước biển sẽ bị hút dâng lên cao.
. Giải pháp ra sao, thưa ông?
+ Với điều kiện mưa lớn và nước biển dâng như thế thì chắc chỉ có cách sống chung (xây nhà nhiều tầng). Thực tế khu vực miền Trung họ đã làm nhà chống lũ, chống bão hiệu quả. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng các khu vực hành chính công cũng nên xây tầng kiên cố để khi cần thiết trở thành nhà đa năng giúp dân trú tránh bão.
Ở Tokyo đã xây dựng hồ chứa nước ngầm trữ lượng 600.000 m3, khi mưa nước sẽ chảy hết vào hồ và nước sau đó được bơm ra sông.
Chúng ta nói nhiều về liên kết vùng nhưng không có quyền lực vùng, tiền và cả nhân sự. Còn ở Hà Lan, họ cũng gặp vấn đề như mình nhưng họ có chương trình dự án châu thổ và họ có tất cả quyền lực, tiền bạc.
Hội đồng liên kết vùng phải được vận hành như một đơn vị hành chính nhưng khi đó sẽ không phải là chuyên môn nữa.
. Xin cám ơn ông.
Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ dồn dập đến cuối năm 2022 Chỉ trong ba tuần qua, hai cơn bão số 4 và số 5 hướng vào Trung Trung bộ kết hợp không khí lạnh và các tổ hợp hình thái thiên tai khác tạo nên một lượng mưa lớn khiến nhiều tỉnh ngập sâu trên diện rộng, đặc biệt là Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Tại Đà Nẵng, lượng mưa trong sáu giờ (từ 15 giờ đến 21 giờ ngày 14-10) lên tới gần 600 mm. Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có nhiều nguyên nhân gây ngập khu vực TP Đà Nẵng. Đó là do tác động hình thế mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông. Cạnh đó, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh. Thứ ba, mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn, cộng vào đó là trong đêm 14-10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ. Thứ năm, thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. “Cơ quan khí tượng thủy văn đã dự báo năm nay ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn. Đối với đợt mưa này, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biến 200-500 mm, cục bộ có nơi trên 800 mm ở Trung bộ” - ông Tuấn Anh cho hay. Dự kiến chỉ ít ngày nữa, đất liền Việt Nam sẽ lại chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6 và khả năng không khí lạnh tăng cường sẽ tương tác với cơn bão khiến thời tiết những ngày tới còn rất phức tạp. Trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì đến tháng 1-2023. Từ nay đến tháng 4-2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-3 cơn. “Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022” - ông Tuấn Anh cho biết. Dự báo tổng lượng mưa tháng 11, khu vực Bắc Trung bộ cao hơn 15%-30%; khu vực Trung và Nam Trung bộ phổ biến cao hơn 30%-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. AN HIỀN Mưa ở Đà Nẵng: 500 năm mới xuất hiện 1 lầnTrao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đợt mưa lịch sử tại TP Đà Nẵng vừa qua, TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn, chuyên gia dự báo thời tiết) cho rằng mưa đã vượt năng lực chịu đựng của cơ sở hạ tầng. Ông Huy cho hay số liệu mưa thực tế mà ông có được từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy từ 15 giờ đến 21 giờ ngày 14-10 (6 tiếng), lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, Sơn Trà là 637 mm. Năng lực thoát nước tại các đô thị loại I ở Việt Nam đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70 mm/2 giờ nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó nhiều do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường… Trong trận mưa ở Đà Nẵng vừa qua, để đáp ứng thoát được lượng nước mưa liên tục trong sáu tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp ba lần hạ tầng hiện tại. “Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền...” - TS Huy cho hay. Cũng theo TS Huy, khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương theo tần suất trong 20 năm, 50 năm và 100 năm nhưng mưa 600 mm/6 tiếng liên tục như Đà Nẵng vừa qua thì nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện một lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói riêng và hầu hết đô thị của Việt Nam nói chung. Việt Nam xuất hiện tần suất mưa cực đoan ngày càng nhiều hơn, hệ thống sông ngòi luôn ở mức cao hơn báo động III mỗi khi có lũ và vì vậy đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện nay. Điều này rất khó làm tại các đô thị cũ ở Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước đô thị. “Ở nông thôn, chúng ta hạn chế bê tông hóa mảnh vườn hoặc mảng sân nhà mình. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước” - TS Huy cho biết thêm. LÊ PHI ghi |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong đêm tối, những chiến sỹ trẻ quần thảo giữa bùn đất, ngụp lặn dưới làn nước miệt mài tìm kiếm kỹ sư thuỷ điện ở Kà Tinh vẫn đang mất tích.