3 lao động chui tử vong ở Nga: Tan mộng đổi đời

Nhiều gia đình nghèo ở Nghệ An đã vay tiền cho người thân sang Nga lao động chui. Giàu đâu chưa thấy, chỉ biết không ít người lâm vào cảnh nợ nần hoặc bỏ mạng nơi đất khách.

Xóm 10A, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An những ngày qua chìm trong không khí tang thương. Ba người đàn ông trong xóm vừa tử vong do rò rỉ khí gas khi đi lao động tại Nga. Bên chiếc bàn thờ lập vội, mẹ già, vợ trẻ, con thơ nghẹn ngào đau đớn khi xác người thân vẫn nằm ở xứ người.

Không biết sống sao đây...

Tại căn nhà nhỏ của anh Sầm Văn Bình (39 tuổi), người thân và hàng xóm vẫn thường xuyên lui tới động viên gia đình vượt qua nỗi đau. Bên chiếc bàn thờ nghi ngút khói hương, chị Đặng Thị Điệp (vợ anh Bình) cùng 2 con là Sầm Thị Lý (học lớp 9) và Sầm Quang Nhật (5 tuổi) ôm di ảnh của người chồng, người cha.

3 lao động chui tử vong ở Nga: Tan mộng đổi đời - 1

Chị Hoàng Thị Thanh (vợ anh Đặng Công Xuân) và các con bên di ảnh chồng, cha. Ảnh: Đức Ngọc

Chị Điệp cho biết vì nhà nghèo nên anh Bình mới quyết định đi Nga kiếm tiền gửi về nuôi vợ con. Để sang Nga, gia đình phải vay mượn gần 50 triệu đồng. Tiền Bình gửi về chưa trả hết nợ thì anh đã đi xa mãi mãi. “Anh ấy mất rồi! Mấy mẹ con tôi không biết rồi đây sẽ sống ra sao nữa?” - chị Điệp buồn bã.

Rời nhà anh Bình, men theo con đường đất nhỏ, chúng tôi đến căn nhà cấp 4 của anh Đặng Công Xuân (43 tuổi). Tai họa bất ngờ ập đến khiến chị Hoàng Thị Thanh (vợ anh Xuân) cùng 5 đứa con bơ vơ. Nằm bẹp trên chiếc giường nhỏ, chị Thanh nấc lên từng tiếng khiến ai chứng kiến cũng xót xa.

“Anh ấy gọi điện về bảo bên đấy trời lạnh, môi trường làm việc cực khổ lắm. Anh nói sẽ cố gắng làm việc 1-2 năm, lúc nào đủ tiền xây căn nhà nhỏ cho mấy mẹ con thì sẽ về. Thế mà giờ anh ấy bỏ mẹ con tôi!…” - chị Thanh nức nở.

Cách nhà anh Xuân không xa, không khí tang thương cũng bao trùm lên cả gia đình của anh Phạm Văn Tiện (20 tuổi).

Mong đưa được hài cốt người thân về

Nguyện vọng lớn nhất của gia đình các nạn nhân là sớm đưa được hài cốt của người thân về quê nhà. Bà Nguyễn Thị Thời (83 tuổi, mẹ của công nhân Sầm Văn Bình) đau xót: “Nếu không đưa được con trai về, có chết tôi cũng không nhắm mắt!”.

Do đi lao động chui, gia cảnh khó khăn nên gia đình các nạn nhân rất mong được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại Nga. Chị Hoàng Thị Cảnh, mẹ công nhân Phạm Văn Tiện, lo lắng: “Nhà nghèo, đưa xác con về không có tiền, còn thiêu và đưa hài cốt về thì nghe nói mất khoảng 150 triệu đồng. Số tiền lớn như vậy, gia đình chúng tôi không biết đào đâu ra”.

Ông Võ Đức Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết trên địa bàn xã có hàng trăm lao động đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở Nga. “Các lao động này sang Nga làm việc trái phép nên xã không quản lý được” - ông Công nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, do chủ yếu đi làm việc trái phép nên khi xảy ra tranh chấp, tai nạn, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 11/9/2012, 5 lao động người Nghệ An đã bị chết cháy khi đang làm việc tại xưởng may ở Yegoryevsk, ngoại ô Moscow.

Ông Dương khuyến cáo người dân địa phương không nên nghe theo lời rủ rê của các đường dây tổ chức đưa người đi làm việc trái phép tại Nga để tránh tiền mất tật mang như thời gian vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Ngọc - Tình Nguyễn (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN