3 du khách Anh tử nạn ở Đà Lạt không đi chui

Sáng 27-2, đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết nhóm du khách gặp nạn không có hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê Đà Lạt mà chỉ mua vé từ công ty này.

Tour ban đầu có 4 người gồm 2 nam, 2 nữ, cùng mang quốc tịch Anh. Do chủ khách sạn nơi 2 khách nam lưu trú không đăng ký lưu trú theo quy định nên khi xảy ra sự cố, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh nhân thân.

3 du khách Anh tử nạn ở Đà Lạt không đi chui - 1

Hiện trường nơi 3 du khách rơi xuống. Ảnh: Thạch Thảo

Trong khi đó, ông Phan Tất Trí, Phó trưởng Công an TP Đà Lạt, khẳng định nhóm du khách này không đi chui. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do sự chủ quan của các cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó trách nhiệm không chỉ riêng hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ, Công ty TNHH Đam Mê Đà Lạt mà còn có cả trách nhiệm của Khu du lịch Datanla.

Trong một diễn biến khác, đại tá Phùng Tất Thành, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết lúc 3 giờ sáng 27-2, thi thể của các nạn nhân đã được đưa về Viện Pháp y quốc gia tại TP HCM để làm các thủ tục tiếp theo. Riêng ông Phạm Hữu Hoài Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê Đà Lạt và hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ đã được bảo lãnh nhưng không được rời khỏi địa phương để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.

3 du khách Anh tử nạn ở Đà Lạt không đi chui - 2

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng họp khẩn với các đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm sáng 27-2. Ảnh: Thạch Thảo

Qua khám nghiệm tử thi ban đầu, xác định anh Snoal Chirstian bị vết thương sâu ở trán phải, rách da; chị Anderson Beth Gisele bị rách da đầu bên trái, bầm tím mắt trái; chị Squireisobel Mackensie bị bầm tím 2 mắt, xây xát toàn bộ mặt, gãy chân phải và tay phải. Cơ quan pháp y nhân định các nạn nhân tử vong do va đập vào đá gây chấn thương sọ não, loại trừ khả năng bị ngạt nước.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cho biết trong chiều 27-2, đại sứ quán và lãnh sự quán Anh tại Việt Nam trực tiếp tới khảo sát hiện trường nơi 3 du khách gặp đại nạn.

Theo tường trình của hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ, trước khi gặp nạn, 3 du khách trượt nước, đùa giỡn và bơi. Anh Sỹ đi vòng xuống dưới và thấy người khách nam đang đi cạnh mỏm đá ở bờ bên kia, gần đến đoạn nước chảy xiết; 2 du khách nữ theo sau, cách khoảng 1 m. Thấy quá nguy hiểm, anh đã yêu cầu khách đi vào bờ bên trái nhưng 3 người vẫn đùa giỡn, rồi xuống suối thả mình trên áo phao. Sau đó, khách nam đứng lên đi ngược lại phía 2 bạn nữ thì bị trượt té và bị nước cuốn trôi.

“Tôi liền nhảy xuống và yêu cầu 2 khách nữ đứng dậy, bám chân xuống lòng suối để không bị cuốn trôi. Tôi chạy ra một đoạn thì thấy cả 2 khách nữ bị cuốn trôi xuống thác. Tôi không dám xuống vì nếu xuống cũng sẽ bị nước cuốn trôi vào vách đá thẳng đứng. Tôi chạy vòng xuống dưới hầm thác tìm 3 du khách. Tôi cùng 3 người bạn bơi tìm và khoảng 10 phút sau thì thấy du khách nam nổi lên rồi trôi ra. Tôi cùng bạn đưa người này lên bờ, hô hấp nhân tạo nhưng anh này đã tử vong. Khoảng 15 phút sau, 1 khách nữ nổi lên và trôi ra. Tôi cùng 3 người bạn tiếp tục hô hấp nhân tạo nhưng người này cũng đã tắt thở”- anh Đặng Văn Sỹ kể.

Trước đó, cũng tại khu vực này, ngày 25-3-2010, một nhóm sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt trong lúc xuống thác vui chơi dã ngoại cũng đã gặp nạn khiến 2 người thiệt mạng, do trượt chân rơi xuống thác sâu. Nạn nhân là sinh viên Thiều Quang Thọ và Nguyễn Đình Thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thạch Thảo (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN