3 chuyến buýt, bán 10 vé, thu được 36.000 đồng!
Hàng chục tuyến xe buýt TP HCM vừa hoạt động lại sau thời gian giãn cách đã phải vội kiến nghị hỗ trợ khẩn để có thể duy trì hoạt động
9 giờ 10 phút ngày 1-11, ngày đầu tiên tuyến xe buýt số 4 (Bến xe An Sương - Bến Thành) hoạt động lại sau hơn 4 tháng nằm bãi, tại đầu bến An Sương, tài xế Nguyễn Thành Nghĩa nổ máy sẵn, chờ 15 phút chỉ đón được 2 hành khách lên xe.
Ảm đạm
Theo ghi nhận của phóng viên, suốt hành trình gần 10 km, qua hơn 20 trạm xe buýt dọc các tuyến đường vốn đông đúc như Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… chiếc xe không rước thêm được khách. Để rồi đến bến cuối tại Công viên 23 Tháng 9, trên xe vẫn chỉ có hành khách và phóng viên. Thoải mái ngồi trên xe, chị Nguyễn Thanh Hòa (quận 12) cho biết khi nghe tin tuyến xe buýt số 4 hoạt động lại chị rất mừng vì đỡ tốn tiền đi xe ôm. "Đi xe buýt không chỉ an toàn, tiết kiệm mà tiếp viên yêu cầu khách sát khuẩn tay, khai báo y tế đầy đủ, xe vắng khách nên cũng an tâm" - chị Hòa nói.
Hành khách thưa thớt trên tuyến xe buýt số 27 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe An Sương)
Trái với sự vui mừng của khách, cuối ngày đầu tiên được hoạt động lại, cho chúng tôi xem báo cáo ngày của mình, tài xế Nghĩa cho biết từ 5 giờ 30 phút đến 10 giờ, anh chạy được 3 chuyến, bán ra 10 vé, thu về 36.000 đồng. "Nghỉ dịch hơn 4 tháng, xe chạy lại tôi rất vui vì có việc làm, có thể 1 - 2 ngày đầu khách chưa biết nên vắng, hy vọng vài hôm nữa khách sẽ tăng để thu nhập lái xe, tiếp viên không bị sụt giảm theo số vé bán được" - tài xế Nghĩa hy vọng. Thế nhưng, đến ngày 3-11, gọi điện lại hỏi thăm thì tài xế Nghĩa ngao ngán nói tình hình cũng "ảm đạm" như ngày đầu.
Tương tự, ở tuyến xe buýt số 27 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe An Sương) - đây là một trong những tuyến xe buýt chính có lộ trình đi qua nhiều tuyến đường lớn ở TP HCM nhưng những ngày hoạt động lại vừa qua, lượng khách cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuyến 27 có lộ trình dài 15,7 km với tần suất 60 chuyến mỗi ngày nhưng suốt 2 ngày thử đi lại trên tuyến này, chúng tôi ghi nhận xe nào nhiều nhất thì được chục khách, còn lại thì chỉ 2-3 khách. Hình ảnh xe buýt trống trơn trên suốt hành trình còn xuất hiện ở tuyến số 74 (Bến xe An Sương - Củ Chi), tuyến 102 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe Miền Tây), khiến hành khách ban đầu mừng vì xe vắng thì sau lại thấy ái ngại cho hoạt động của xe buýt.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP HCM thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM (gọi tắt là Trung tâm), tính từ ngày 5-10 đến 1-11 có 28 tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động lại sau thời gian giãn cách do dịch bệnh, mỗi chuyến trung bình chở 6 hành khách, giảm hơn 70% so với trước giãn cách.
Đại diện trung tâm này cho biết việc khôi phục dần hoạt động của xe buýt trong giai đoạn bình thường mới được chia thành 4 giai đoạn với tần suất hạn chế nhằm bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa chạy vừa rà soát để điều chỉnh dần tần suất phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, từ ngày 15-11, tất cả 90 tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động lại và đều phải vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 30 hành khách/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên). Hành khách lên xe phải tuân thủ quy tắc 5 K, đã tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi đối với loại 2 mũi.
Những kiến nghị khẩn thiết
Là đơn vị có 6 tuyến xe buýt hoạt động lại sau giãn cách, đại diện Công ty CP Xe khách Sài Gòn khẳng định mỗi chuyến trung bình chỉ 5-6 khách coi như càng chạy càng lỗ. "Không chạy không được, phải chạy để khôi phục dần hoạt động xe buýt. Tuy nhiên, để tạo điều kiện kéo khách lên xe, chúng tôi kiến nghị Trung tâm nên rút ngắn thời gian giãn cách chuyến từ 20-30 phút/chuyến xuống 10-15 phút/chuyến vì nếu chờ lâu quá, khách sẽ tìm phương tiện khác. Riêng trợ giá cho xe buýt trong năm 2021 đề nghị được tính theo sản lượng thực tế, việc khoán sản lượng cao như năm trước chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp" - đại diện Công ty CP Xe khách Sài Gòn kiến nghị và mong các cơ quan liên quan quan tâm sát việc này.
Tương tự, bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX Quyết Thắng, đề xuất Sở GTVT, UBND TP HCM đề nghị các ngành liên quan có chính sách giãn nợ, không cộng dồn nợ gốc cho các doanh nghiệp xe buýt, bởi năm 2021, xe buýt phải dừng hoạt động gần 5 tháng không có thu nhập nhưng các doanh nghiệp vẫn gồng gánh trả lãi ngân hàng, bảo dưỡng phương tiện, bảo hiểm cho phương tiện, phí bến bãi, đóng bảo hiểm xã hội… "Để hỗ trợ doanh nghiệp xe buýt vượt qua khó khăn, chúng tôi kiến nghị UBND TP HCM sớm ban hành quyết định chi trả tiền lương cơ sở chênh lệch từ năm 2020 đến nay, để Sở GTVT và Trung tâm có cơ sở thanh toán cho các doanh nghiệp xe buýt" - bà Thanh khẩn thiết đề nghị.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP HCM cũng có nhiều kiến nghị gửi đến UBND thành phố và đang chờ phản hồi của các đơn vị liên quan. Theo đó, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động. Ngoài ra, đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 cho các doanh nghiệp, HTX xe buýt đã đầu tư phương tiện theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2020. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ; riêng Cục Thuế TP HCM xem xét giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải.
Cho rằng khó khăn của xe buýt sẽ còn kéo dài sau thời gian giãn cách, để tháo gỡ phần nào, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, đề nghị doanh thu, sản lượng đặt hàng cần tính theo doanh thu, sản lượng thực tế cho đến hết tháng 6-2022 vì dịch kéo dài, nhu cầu đi lại của người dân đã thay đổi.
Hơn 20 ngày tái khởi động sau thời gian giãn cách do Covid-19, xe buýt Thủ đô đã kéo được khách trở lại, trong khi taxi vẫn...
Nguồn: [Link nguồn]