3 bộ vào cuộc trước lo ngại thực phẩm biến đổi gen ở Hưng Yên
Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên lo ngại về thực phẩm biến đổi gen có lẫn trong thức ăn chăn nuôi khiến heo, cá tăng trọng nhanh, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020 diễn ra vào cuối tháng 12-2020 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị Bộ NN&PTNT ưu tiên nghiên cứu các vấn đề về an toàn thực phẩm, nhất là vấn đề về thực phẩm biến đổi gen.
Cụ thể, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết khi đi khảo thực tế thấy bà con nuôi cá có thức ăn là cám, bột ngô Mỹ, bột đậu tương của Mỹ... Với bột biến đổi gen này, cá chỉ nuôi trong 7 tháng đã đạt 8kg, nghĩa là một tháng tăng 1kg, còn nuôi heo thì một ngày tăng 1kg.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên lo ngại về thực phẩm biến đổi gen có lẫn trong thức ăn chăn nuôi khiến heo, cá tăng trọng nhanh, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh minh họa: Internet
"Chúng tôi đã thường xuyên yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra, đánh giá nhưng các anh em khi nào cũng nói bảo đảm các tiêu chuẩn, các yêu cầu. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng nếu cá tăng một tháng 1 kg, heo tăng 1kg/ngày thì với thức ăn không kiểm soát đầu vào chặt chẽ sẽ là nguy cơ cho tương lai con em chúng ta lâu dài. Thực phẩm biến đổi gen nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì có nguy cơ cho sức khỏe của người dân lâu dài" - ông Hưng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ sẽ phối hợp với Bộ TNMT, Bộ Y tế tiếp nhận thông tin này để tổ chức đánh giá một cách khoa học về phản ánh của tỉnh Hưng Yên.
Đồng thời, nhân sự việc này, Bộ cũng yêu cầu các cơ quan kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tăng cường kiểm soát, chỉ những sự kiện có thực phẩm biến đổi gen nào được công nhận thì mới được nhập khẩu hợp pháp. Nếu phát hiện những sự kiện thực phẩm biến đổi gen nào chưa được công nhận thì phải trả lại cho xuất khẩu hoặc tiêu hủy.
Theo ông Tiệp, sản phẩm biến đổi gen là vấn đề toàn cầu và hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau. Việt Nam có hệ thống pháp luật rất chặt chẽ trong vấn đề này để bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh sinh học, kể cả nguyên liệu để dùng làm thức ăn chăn nuôi hay thực phẩm. Các cơ quan được thực hiện chức năng về kiểm tra các sản phẩm, kể cả làm thực phẩm hay làm thức ăn chăn nuôi cũng đang tổ chức kiểm soát rất chặt về vấn đề này.
"Bộ NN&PTNT cũng có hội đồng về an ninh sinh học để cấp phép, công nhận cho từng sự kiện biến đổi gen dựa trên cơ sở khoa học và các hướng dẫn quốc tế, các đánh giá của chuyên gia" - ông Tiệp nói.
100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sẽ được cơ quan chức năng của Hà Nội lấy để xét nghiệm SARS-CoV-2.
Nguồn: [Link nguồn]