263 đại biểu thiếu nhi bàn giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và an toàn trên mạng
Sáng 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, khai mạc phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023, với sự tham gia 263 đại biểu trẻ em tới từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Văn nghệ khai mạc chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
263 đại biểu trẻ em tới từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia chương trình.
Phiên họp có sự tham dự của ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Dự phiên họp còn có các Ủy viên T.Ư Đảng: Ông Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Tất Thắng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư; bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT-TT; ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên Phụ nữ Việt Nam.
Về phía Ban tổ chức có: Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
Đảm bảo quyền được tham gia vào các vấn đề của trẻ em
Phát biểu tại phiên họp, chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức, cho biết: Với mô hình phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Ban tổ chức mong muốn giúp các em được tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi một cách có hệ thống những kiến thức về hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước, đặc biệt là những hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Từ đó, các em được ứng dụng các kiến thức, kỹ năng đó vào việc phân tích những vấn đề hiện tại của trẻ em, xây dựng những giải pháp cho chính mình với cách nhìn toàn diện hơn, từ việc học hỏi những kỹ năng của các đại biểu Quốc hội và thể hiện ngay tại hội trường Quốc hội.
Bên cạnh đó, với việc các em được đóng vai là lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội, được phát biểu ý kiến, biểu quyết thông qua các nội dung của phiên họp tại Hội trường Diên Hồng cũng sẽ góp phần hình thành đam mê nghề nghiệp, hoài bão to lớn trong việc góp phần xây dựng đất nước; ý chí phấn đấu trong học tập, rèn luyện để trở thành người đại biểu của nhân dân hoặc một lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trong tương lai, là công dân tốt đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng, việc lựa chọn hai chủ đề “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, trên môi trường mạng” được tiến hành dựa trên cơ sở thực hiện vai trò đại diện tiếng nói trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp, sự quan tâm của xã hội và của chính các em trong thời gian qua.
Các nội dung phiên họp là kết quả làm việc của chính các đại biểu trẻ em được lựa chọn tham gia phiên họp cũng như ý kiến, nguyện vọng của hơn 41.000 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trong cả nước.
Theo chị Trang, dù đây là phiên họp giả định, nhưng tất cả những ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay là ý kiến thực chất, sinh động, thể hiện suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em, đảm bảo được các quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em theo luật định. Qua đây, Ban tổ chức mong muốn tạo môi trường để các em rèn luyện kỹ năng: phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, kỹ năng phát biểu, trình bày trước công chúng.
Đại biểu thiếu nhi đóng vai đại biểu Quốc hội
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” diễn ra trang trọng dưới sự điều hành của trẻ em để xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan tới trẻ em.
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu thiếu nhi đã đóng vai các đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ để đề ra những giải pháp không chỉ với tư cách là đại biểu “dân cử” mà còn là lãnh đạo các bộ, ban ngành.
Trong đó, em Đặng Cát Tiên vào vai Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”; em Lê Quang Vinh vào vai Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội trẻ em”; các Phó Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”, gồm: Đàm Hà My, Kiều Quang Huy, Nguyễn Thế Mạnh.
Phiên họp diễn ra trang trọng dưới sự điều hành của trẻ em để xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan tới trẻ em. Ảnh: Xuân Tùng
Em Đặng Cát Tiên vào vai Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” phát biểu trong phiên họp. Ảnh: Xuân Tùng
Tại phiên toàn thể Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” thảo luận sôi nổi về 2 chủ đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “ Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em ”.
Các đại biểu "Quốc hội trẻ em" phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Xuân Tùng
Đại biểu thiếu nhi vào vai Bộ trưởng LĐ-TB&XH trao đổi tại phiên họp giả định. Ảnh: Xuân Tùng
Phiên toàn thể phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 là sự kiện trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa của chương trình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức. Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I diễn ra từ ngày 9 - 10/9, tại Hà Nội, với sự tham gia 263 đại biểu trẻ em và 64 đại biểu phụ trách đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Việc thay đổi thẻ CCCD nhiều lần mặc dù được cơ quan soạn thảo đánh giá là không tốn kém về chi phí xã hội nhưng tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật...
Nguồn: [Link nguồn]