224 công chức “ăn gian” giờ làm việc
Ông Kiều Văn Bê, giám đốc Sở Nội vụ Ninh Thuận, nói trong vòng một tuần, tổ công tác của sở kiểm tra chín cơ quan, địa phương và phát hiện nơi nào cũng có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm giờ giấc hành chính.
Và 224 là số công chức làm việc tại các sở, ngành, địa phương của tỉnh Ninh Thuận bị Sở Nội vụ tỉnh này bắt quả tang có hành vi “ăn gian” giờ làm việc.
Ngày 22/12, ông Nguyễn Đức Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết vừa chỉ đạo một loạt cơ quan và địa phương khẩn trương tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc các cá nhân vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 29/12.
“Ăn” nhiều nhất 105 phút!
Tổng cộng có đến 224 người của các cơ quan này đến nơi làm việc trễ so với quy định, trong đó có 103 người trễ từ 30-105 phút.
UBND huyện Thuận Nam là nơi tuân thủ giờ giấc làm việc thiếu nghiêm túc nhất, khi có 44 người làm việc ở các phòng thuộc UBND huyện và 35 người ở các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện đi làm trễ.
Tiếp đó là UBND huyện Ninh Hải: 35 người đi làm trễ, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm: 30 người, Sở Tài nguyên - môi trường: 22 người... Cá biệt tại UBND huyện Ninh Hải, tổ công tác phát hiện trong giờ hành chính, phòng tiếp công dân không có người làm việc.
Còn ở Sở Văn hóa - thể thao và du lịch có đến 15 người không đến làm việc, ở UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm có 6 người không đến cơ quan...
Ông Nguyễn Đức Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh này năm 2012 ngày 20/12 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận
“Lẽ ra trong giờ làm việc, các cán bộ, công chức, viên chức này phải có mặt ở cơ quan để làm nhiệm vụ, thì họ lại dùng thời gian đó để xử lý công việc riêng và đi uống cà phê” - ông Bê cho biết.
Để “phục kích” những “người nhà nước” ăn gian giờ làm việc, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận đã thành lập tổ công tác do một phó giám đốc sở làm tổ trưởng và các cán bộ thanh tra của sở.
Tổ này tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trước khi trực tiếp đến “hiện trường”.
“Chúng tôi tổ chức kiểm tra đột xuất, không báo trước để chống đối phó. Tổ này được trang bị camera để quay phim làm chứng cứ cụ thể. Do vậy, tất cả trường hợp mà chúng tôi phát hiện vi phạm giờ giấc làm việc hoặc các vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính khác đều tâm phục khẩu phục” - ông Kiều Văn Bê nói.
Sẽ kiểm tra nạn chung chi...
Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Cùng với việc chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân vi phạm, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải đề ra cho được giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên.
Mỗi cơ quan, đơn vị phải có tổ công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất kỷ cương, kỷ luật hành chính tại đơn vị. Tỉnh cũng giao Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các chỉ đạo trên của các sở, ngành, địa phương. Những trường hợp tái phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật nghiêm khắc”.
Ông Kiều Văn Bê cho hay sắp tới Sở Nội vụ tiếp tục thực hiện các chuyến kiểm tra đột xuất và hướng tới sẽ kiểm tra chuyên sâu.
“Kết quả kiểm tra vừa rồi mới chỉ là bề nổi, việc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm giờ giấc làm việc chỉ mang tính răn đe. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiểm tra chuyên sâu hơn các tình trạng mà dân bức xúc như chung chi, phong bao phong bì, quan liêu, nhũng nhiễu trong các cơ quan, địa phương. Từ những phản ảnh của dư luận, Sở Nội vụ sẽ theo dõi, xác định đúng địa chỉ là kiểm tra và đề xuất xử lý nghiêm khắc để làm trong sạch bộ máy, làm giảm tiêu cực của cơ quan hành chính đối với nhân dân” - ông Bê khẳng định.