21 cây lim xanh 40 năm tuổi bị chặt hạ bán làm củi giá 6 triệu đồng
Khu vực thuộc diện rừng bảo tồn, do xã quản lý, hằng năm huyện trích kinh phí để chăm sóc nhưng trước hiện tượng có một số cây chết khô, xã đã sốt sắng xin ý kiến để khai thác, tận thu. Lợi dụng điều này, chỉ trong thời gian ngắn, 21 cây lim xanh tuổi đời từ 30 - 40 năm đã bị chặt hạ, thu dọn sạch sẽ khỏi hiện trường cả gỗ lẫn lá.
Đầu tháng 4/2022, phóng viên Báo Công an nhân dân nhận được thông tin phản ánh của người dân ở bản Hội 1, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) về việc, tại khu vực rừng lim bảo tồn của xã Châu Hội, nằm trên địa bàn xã này đang xảy ra tình trạng cắt tỉa cây khô, nhưng có dấu hiệu lợi dụng điều này để khai thác các cây gỗ lớn, khỏe mạnh.
Hiện trường vụ cắt tỉa cây chết đang còn vương vãi nhiều khúc gỗ đã được cưa xẻ vuông vức
Ngày 6/4, có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận có tình trạng cắt tỉa rừng lim, dấu vết và vị trí đang còn rất mới. Lần theo các lối mòn mà đơn vị khai thác vừa rời đi, có hàng chục gốc lim lớn đã bị cắt bỏ, chỉ còn trơ gốc và vương vãi một số mảnh gỗ vụn.
Từ dấu vết để lại, có thể nhận thấy các cây bị chặt hạ là những cây gỗ lớn, đường kính từ 30 - 60cm. Nhiều vị trí có 4 -5 gốc cây lớn nằm san sát nhau bị cắt bỏ. Điều bất thường là hiện trường việc cắt tỉa này được dọn dẹp rất sạch sẽ, không chỉ thân gỗ được vận chuyển đi rất nhanh, mà phần ngọn, cành và lá cũng được đưa đi nơi khác.
Theo báo cáo của UBND xã Châu Hội, diện tích rừng nói trên thuộc rừng bảo tồn, do xã quản lý. Tổng số có 21 cây lim đã được khai thác, đường kính trung bình từ 25 - 40cm, chiều cao từ 6 - 9m mỗi cây. Tổng số gỗ đã chặt hạ là 10,197m3, được bán cho một người dân trên địa bàn để làm củi với giá 6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Sỹ Luận, Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho rằng, trong số 21 cây đã chặt, có 20 cây bị chết và 1 cây bị gãy đổ. Tuy nhiên, dấu vết hiện trường để lại mà phóng viên thu thập được lại đang "tố ngược" lại những điều mà chủ tịch xã này thông tin.
Sau khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ phóng viên cung cấp, UBND huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng UBND xã Châu Hội, lập đoàn để khảo sát, kiểm tra hiện trường vụ việc. "Quan điểm của huyện là nếu để xảy ra sai phạm, sẽ xử lý nghiêm", ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại được:
Các cây lim bị chặt hạ có đường kính lớn hơn nhiều so với báo cáo của UBND xã Châu Hội.
Nhiều cây lớn đã bị chặt hạ, cưa xẻ và vận chuyển đi, trơ gốc còn tươi mới xen lẫn lá chưa kịp khô.
Một cây lim xanh tươi vừa bị chặt hạ, bỏ lại phần ngọn chưa kịp thu dọn
Phần cây chết khô bị bỏ lại tại hiện trường...
... và trên đường vận chuyển ra khỏi rừng
Có 21 cây lim xanh đã bị chặt hạ, với hàng chục mét khối gỗ nhưng xã Châu Hội chỉ bán cho một người dân với giá 6 triệu đồng.
Đây là khu vực rừng lim xanh thuộc diện bảo tồn. Năm 2019, khi đó khu rừng này đang giao cho Bản Hội 1 quản lý, Ban quản lý Bản đã vào chặt 3 cây để về làm công trình cộng đồng thì bị UBND huyện xử lý, sau đó được giao cho UBND xã chăm sóc, quản lý. Vậy, có hay không việc lợi dụng việc chặt tỉa cây khô để phá rừng Lim bảo tồn, triệt hạ hàng chục cây xanh khỏe mạnh? Đề nghị UBND huyện Quỳ Châu cần sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề này, cũng như xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ liên quan nếu có sai phạm.
Hiện Hội đồng đấu giá huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã đưa khối gỗ lim được hai nông dân phát hiện dưới khe suối ra để công khai đấu giá.
Nguồn: [Link nguồn]