Trong thời khắc cuối cùng của năm 2022, hãy cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật trong năm qua và hướng tới một năm mới với nhiều niềm hi vọng.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được Việt Nam triển khai thành công. Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến nay, hơn 250 triệu liều vaccine COVID-19 các loại đã được tiêm cho người dân.
Tỷ lệ bao phủ vaccine cao, số ca tử vong do COVID-19 giảm sâu là yếu tố quan trọng để nước ta chuyển đổi thành công từ chiến lược “Zero COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được đề ra tại Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành.
Hơn 250 triệu liều vaccine COVID-19 các loại đã được tiêm cho người dân
Sự chuyển hướng chiến lược sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã giúp nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2022. Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến đạt 7,5-8%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Mục tiêu kép của Chính phủ, vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi kinh tế-xã hội đã bước đầu thành công.
Các con phố ăn đêm tại Hà Nội nhộn nhịp trở lại sau một thời gian dài phải đóng cửa sớm vì dịch COVID-19
Tuy vậy, ngành y tế trong năm 2022 chao đảo trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Bệnh nhân phải tự tìm mua từ thuốc đến kim tiêm, dây truyền dịch... trong khi các bệnh viện phải vay mượn thuốc lẫn nhau. Ngoài ra, ngành y tế còn rơi vào cuộc khủng hoảng khác khi hàng ngàn nhân viên y tế thôi việc khiến nhiều nơi thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Chính phủ và Bộ Y tế đã tìm cách tháo gỡ những vướng mắc này.
Vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình thế giới biến động phức tạp, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31 cùng khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” diễn ra từ ngày 12 đến ngày 23/5/2022 tại Hà Nội và các địa phương lân cận.
Trước thềm SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu sẽ giành từ 140 huy chương Vàng. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt xa chỉ tiêu này với thành tích nhất toàn đoàn cùng 205 huy chương Vàng, 125 huy chương Bạc và 116 huy chương Đồng. Chúng ta bỏ xa đoàn xếp sau là Thái Lan tới 113 huy chương Vàng. Đây là thành tích cao nhất mà một đoàn thể thao đạt được tại Đại hội thể thao Đông Nam Á từ trước đến nay.
Chúng ta cũng phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Cử tạ, đặc biệt là bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.
Đội tuyển bóng đá nữ và Đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương vàng quý giá
Với thành công của SEA Games 31, Việt Nam được đánh giá cao về công tác tổ chức, thành tích chuyên môn cũng như công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam sau hơn hai năm chiến đấu trước đại dịch COVID-19.
Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu lớn ở đấu trường ASIAD và Olympic.
Đoàn Thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games thành công
Năm 2022, hàng loạt đại án được phanh phui, gây rúng động dư luận.
102 người vướng vòng lao lý trong đại án Việt Á
Sau một năm khởi tố vụ án, cùng với việc bắt Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á), đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 102 người liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 này.
Ông “trùm” Việt Á Phan Quốc Việt
Trong vụ án này, có 3 cựu ủy viên Trung ương Đảng đã bị bắt. Gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Và gần đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Trịnh - trợ lý của Phó Thủ tướng.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan.
Hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 7/6
“Chuyến bay giải cứu”
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Để đưa công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước, Nhà nước tổ chức nhiều “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, có gần 2.000 chuyến bay đã được thực hiện để đưa các công dân từ hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ về Việt Nam an toàn. Các chuyến bay này thường có chi phí khá đắt đỏ khi phải lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế hỗ trợ bệnh nhân. Đến cuối năm 2021 xuất hiện những thông tin cho rằng có nghi vấn việc trục lợi giá vé các chuyến bay này.
Vụ án được phanh phui khi ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ Cục Lãnh sự về tội “Nhận hối lộ", trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng.
Vụ án tiếp tục được điều tra mở rộng, đến nay, CQĐT đã khởi tố 37 bị can thuộc 8 bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Trong số đó có ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Quang Linh, Trợ lý phó Thủ tướng.
Theo Bộ Công an, một “chuyến bay giải cứu” sau khi trừ các chi phí có thể đem lại số tiền lợi nhuận cho các bị can đến vài tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan và ông Tô Anh Dũng khi chưa bị khởi tố, bắt tạm giam
Nhiều đại gia bị “gọi tên”
Những ngày cuối năm 2022, TAND TP.Hà Nội đang mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (viết tắt là Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan. Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, và 7 người khác đang trốn truy nã vẫn bị đưa ra xét xử.
Vụ án khiến cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái vướng vòng lao lý.
Theo cáo buộc, Nhàn đã dùng nhiều chiêu trò thông thầu, gian lận thầu để AIC và các công ty được chỉ định trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Đồng Nai, với tổng trị giá hơn 665 tỷ đồng. Hành vi của bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt
Trong một vụ án khác, ngày 29/3/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (khi đó là Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng các cá nhân thuộc tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Đến ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các đối tượng trong vụ án liên quan đến các cá nhân tại FLC đã thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ngày 29/3/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết và khám xét trụ sở FLC tại 265 Cầu Giấy (Hà Nội).
Trong năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 27 bị can khác.
Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian từ năm 2018-2019.
Vừa mới đây, vào chiều 29/12, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 23 bị cáo vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba.
Theo đó, Chủ tịch Công ty Alibaba là Nguyễn Thái Luyện nhận mức án chung thân. Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) nhận tổng hình phạt 20 năm tù. Hai em trai của Luyện, một người bị tuyên phạt 27 năm tù, người còn lại nhận mức án 17 năm tù. Các bị cáo khác cũng phải nhận bản án tương xứng.
Ngoài ra, vợ chồng Luyện phải bồi thường cho 4.548 bị hại số tiền gần 2.400 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Địa ốc Alibaba tại phiên tòa (Ảnh: PLO)
Theo nội dung vụ án, với vai trò Chủ tịch Công ty Alibaba và lợi thế hiểu biết, Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản “ma”. Từ đó, Luyện và đồng phạm đã chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng.
Đây là vụ án “phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay” như: hồ sơ gồm cả triệu bút lục, được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải; gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó gần 4.000 bị hại và 100 người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập...
3 cảnh sát anh dũng hy sinh khi chữa cháy quán karaoke
Đầu giờ chiều ngày 1/8, Trung tâm chỉ huy Công an TP. Hà Nội nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại số 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nơi xảy ra cháy là một quán karaoke cao 6 tầng, đang dừng hoạt động để sửa chữa.
10 xe chữa cháy cùng hơn 60 cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an quận Cầu Giấy và các đơn vị lân cận nhanh chóng đến hiện trường tổ chức chữa cháy.
Tại hiện trường, Trung tá Đặng Anh Quân (SN 1977, Đội trưởng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy) cùng Trung úy Đỗ Đức Việt (SN 1998) và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc (SN 2003) đã hướng dẫn và đưa 8 người thoát ra ngoài an toàn.
Sau đó, họ tiếp tục quay lại tìm kiếm, cứu nạn. Khi đến tầng 4 thì cầu thang sập xuống, chặn vòi chữa cháy. Đúng lúc này, trần nhà đổ sập đè trúng 3 cán bộ, chiến sĩ khiến cả 3 hy sinh.
Trước tinh thần dũng cảm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm của các anh, Chủ tịch nước đã truy tặng "Huân chương Chiến công hạng Nhất", Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công", Bộ trưởng Bộ Công an ký các quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp đối với cả 3 đồng chí.
3 chiến sĩ hy sinh, hàng triệu trái tim người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc đã thổn thức gọi tên các anh với lòng cảm phục sâu sắc. Một Facebooker đã viết:
32 người thiệt mạng trong vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke
Hơn 1 tháng sau vụ cháy trên, vào tối 6/9, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại quán karaoke An Phú trên đường Trần Quang Diệu (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Khi xảy ra vụ cháy, cơ sở có 5/30 phòng hát đang hoạt động với khoảng 60 người có mặt tại cơ sở. Thời điểm xảy ra vụ cháy, tất cả mọi người đều hoảng loạn bỏ chạy. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiếp cận hiện trường chữa cháy, cứu nạn, đưa 22 người ra khỏi đám cháy an toàn.
Đến 21h30 cùng ngày, đám cháy được khống chế nhưng 32 người (bao gồm cả khách và nhân viên quán) đã tử vong.
Quán Karaoke An Phú – nơi xảy ra vụ cháy khủng khiếp cướp đi sinh mạng 32 con người
Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do đường dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông qua khu vực trước 2 phòng hát xảy ra sự cố chập mạch điện. Từ đây, đám cháy phát triển ra các hướng gây cháy lớn ở các phòng karaoke tầng 2 và cháy lan lên tầng 3. Nguyên nhân làm 32 nạn nhân tử vong cũng được xác định do ngạt khí, cháy bỏng nặng.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ cơ sở là ông Lê Anh Xuân (SN 1980) để điều tra tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy". Đồng thời khởi tố 2 cựu cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TP Thuận An gồm: Nguyễn Văn Võ (SN 1985) và Nguyễn Duy Linh (SN 1981) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cháy nhà trong khu tập thể, 5 người trong một gia đình tử vong
Trước đó, vào ngày 21/4, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP. Hà Nội nhận được tin báo xảy ra cháy tại nhà số 116 B9 Kim Liên (ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên).
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường dập lửa. Đám cháy được xác định xảy ra tại tầng 1 trong ngôi nhà 3 tầng của nhà bà Đ.T.M. (tiếp giáp nhà B9 tập thể Kim Liên). Vài phút sau, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Lúc này, con trai và cháu nội của bà M đã tự thoát sang mái nhà tầng 2 bên cạnh và được lực lượng chức năng đưa xuống vị trí an toàn.
Tuy nhiên, 5 người khác trong gia đình bà M đã tử vong (trong đó 4 người tử vong tại hiện trường).
Theo một lãnh đạo Công an TP Hà Nội, qua điều tra, bước đầu xác định ngọn lửa bắt nguồn từ sự cố chập điện của một chiếc xe máy. Không có dấu hiệu hình sự.
Chiều 26/2, chiếc ca-nô du lịch số hiệu QNa-1152 thuộc Công ty du lịch Phương Đông đưa đoàn du khách từ xã đảo Cù Lao Chàm trở về cảng Cửa Đại (Quảng Nam).
Trên ca-nô lúc này có 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và 3 thuyền viên). Khi cách bờ biển khoảng 2km, chiếc ca-nô bất ngờ bị sóng lớn đánh chìm khiến cả 39 người rơi xuống nước.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng và người dân đã tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. 22 người may mắn được cứu sống, nhưng 17 người khác đã không may mắn như vậy.
Trong số 17 nạn nhân xấu số, có 8 người cùng ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhận tin báo về vụ tai nạn, ông Ngô Văn Đẩn (trú thôn Đoài, xã Nam Hồng) ngã quỵ: “Nhà tôi có 10 người đi thì mất 5 người rồi còn đâu”. Cách đó không xa là nhà ông Cường, người cũng mất đi 3 người gồm cháu ngoại, con trai và con dâu trong vụ tai nạn thảm khốc.
Một người thắp hoa đăng cầu nguyện cho các nạn nhân vụ lật ca nô (Ảnh: PLO)
Bước đầu, vụ tai nạn được xác định là do sóng lớn đánh vỡ ca-nô khiến nước tràn vào nhanh làm ca-nô bị lật úp. Thời điểm xảy ra tai nạn, ca-nô chạy với tốc độ 32 km/h. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai người trên ca-nô, ca-nô chạy đúng luồng lạch, không va đập. Độ sâu tại khu vực ca-nô chìm gần 4 mét.
Đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” để tiếp tục điều tra làm rõ.
Xuất hiện trong năm 2022, cơn bão số 4 – Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông. Bão suy yếu nhanh và đổ bộ vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Nam vào ngày 28/9.
Tuy vậy, với sự chủ động của các cấp chính quyền và sự đồng lòng, tin tưởng, đùm bọc của người dân, thiệt hại do cơn bão Noru gây ra đã được hạn chế ở mức thấp nhất, đặc biệt là về người.
Bão số 4 tan, nhưng hoàn lưu bão đã gây mưa rất lớn khiến 3 người thiệt mạng, hơn 7.000 nhà bị ngập, hàng chục nghìn ha nông nghiệp và thủy sản bị hư hại.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ những tháng đầu năm đến nay, thiên tai trên các vùng miền cả nước diễn biến bất thường, cực đoan, trái quy luật với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó điển hình có 1.047 trận thiên tai.
Mưa lớn kéo dài ở Miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, đây là trận ngập lụt lịch sử của thành phố này
Tại miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đặc biệt tại Đà Nẵng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 và không khí lạnh, từ ngày 13-15/10, thành phố này đã có mưa rất to, gây ngập diện rộng với độ sâu từ 0,5 - 1m, có nơi ngập đến 2m. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, đây là trận ngập lụt lịch sử của thành phố Đà Nẵng.
Tính đến ngày 19/12, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 19.452 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2021).
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |