2013, HN đề xuất tăng hơn 9.000 công chức

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về tổng biên chế năm 2013 của thành phố.

Theo đó, thành phố đề nghị HĐND thành phố thông qua và phân bổ biên chế công chức cho các cơ quan đơn vị là 9.293 biên chế và 143.610 biên chế các đơn vị sự nghiệp.

Tăng 6.000 biên chế giáo viên mầm non

Theo UBND TP Hà Nội, Bộ Nội vụ chỉ đạo, trong khi chờ các cơ quan chuyên môn thẩm định, để kịp giao biên chế theo thời gian quy định, trước mắt Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ giao biên chế năm 2013 cho các tỉnh, thành phố bằng số biên chế đã giao năm 2012. Do đó, UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố thông qua và phân bổ biên chế công chức cho các cơ quan, đơn vị năm 2013 là: 9.293 biên chế và 143.610 biên chế các đơn vị sự nghiệp.

2013, HN đề xuất tăng hơn 9.000 công chức - 1

Hàng ngàn người có cơ hội trở thành công chức Thủ đô thông qua các kỳ thi

Trong 9.293 biên chế, khối sở, ngành và tương đương có 4.272 biên chế; khối quận, huyện, thị xã có 5.013 biên chế và 8 biên chế dự phòng. Với biên chế của các đơn vị sự nghiệp (143.610 biên chế, tăng 4.704 biên chế so với năm 2012) được phân bổ cụ thể như sau: Biên chế viên chức là 121.115, tăng so với năm 2012 là 8.854 biên chế; Lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP: 7.984 chỉ tiêu, giảm 23 chỉ tiêu so với năm 2012; Định mức lao động: 14.511 chỉ tiêu, giảm 4.127 chỉ tiêu so với năm 2012.

Đáng chú ý, số biên chế của các đơn vị sự nghiệp tăng thêm ở khối quận, huyện thị xã (tăng 6.968 biên chế so với năm 2012) chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, thành phố tăng 924 biên chế cho khối giáo dục quận, huyện và tăng 6.000 viên chức cho các trường mầm non công lập tự chủ thuộc quận huyện, thị xã.

Công việc luôn quá tải

Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt

Theo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 của UBND TP Hà Nội thì có hàng loạt các chỉ tiêu đã không hoàn thành. Cụ thể, trong 15 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao, có 10 chỉ tiêu chưa đạt, thuộc cả 3 nhóm: kinh tế tổng hợp, văn hóa - xã hội và đô thị - môi trường. Trong các chỉ tiêu đạt kế hoạch, duy nhất có chỉ tiêu tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày khu vực nông thôn vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Lý giải cho đề xuất tăng biên chế, UBND thành phố cho rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, có quy mô diện tích và dân số lớn, tốc độ đô thị hoá nhanh, với tính chất và mức độ phức tạp ngày càng lớn, cấp bách làm cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp luôn quá tải với công việc được giao.

Do đó, việc tăng cường thêm nhân lực để giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một trong những yêu cầu khách quan (đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng đô thị, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…).

Tuy nhiên, UBND thành phố cũng thừa nhận, biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị mặc dù đã được tăng cường, năm sau thường cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nguyên nhân là do khối lượng và mức độ phức tạp của công việc ngày càng tăng. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc tinh giản bộ máy, biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc bố trí, sử dụng biên chế của một số cơ quan đơn vị chưa hợp lý, do chưa xác định rõ vị trí việc làm nên việc xác định biên chế còn mang định tính, chưa đảm bảo chính xác. Có đơn vị đề nghị tăng biên chế nhằm mục đích tăng nguồn kinh phí, do cơ chế khoán chi phí hành chính hiện nay được tính theo số biên chế được giao nhân với định mức khoán.

Ngoài ra, một số sở, ngành, đơn vị sự nghiệp được phân cấp tổ chức tuyển dụng viên chức nhưng chưa tổ chức thi tuyển, đang ký hợp đồng lao động nên còn số lượng biên chế lớn chưa được tuyển dụng trong số biên chế được giao. Việc này thành phố đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức thi tuyển để viên chức thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Minh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN