20.000 lính Trung Quốc tập trận pháo binh cực lớn
Trung Quốc đang tăng cường các đợt tập trận quy mô lớn khi nước này ngày càng hung hăng hơn trong tranh chấp biển đảo.
Ngày 22/6, gần 20.000 lính Trung Quốc bắt đầu thực hiện cuộc diễn tập pháo binh mang mật danh “Hỏa lực 2014” dài nhất trong thời bình với thời gian suốt 100 ngày nhằm “tăng cường khả năng chiến đấu” của quân đội Trung Quốc.
Theo các nguồn tin quân sự, trong đợt diễn tập quy mô lớn này, quân đội Trung Quốc đã huy động 6 lữ đoàn pháo binh từ các quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh, Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu cùng với Học viện Pháo binh Nam Kinh cùng với gần 1.000 khẩu pháo các cỡ.
Pháo binh Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập
Giai đoạn đầu của cuộc diễn tập được thực hiện tại Học viện Pháo binh Nam Kinh, chủ yếu tập trung vào việc chỉ huy lực lượng quân sự. Sang giai đoạn hai, lính Trung Quốc sẽ tập trung vào các hoạt động cơ động chiến thuật tại các địa hình xa lạ ở phía bắc Trung Quốc.
Yu Chao, giám đốc Học viện Pháo binh Nam Kinh tuyên bố rằng cuộc diễn tập này là rất quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng muốn áp đặt tham vọng lãnh thổ của mình ra các vùng biển xung quanh, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia láng giềng.
Kể từ khi lên nắm quyền từ năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thường xuyên yêu cầu quân đội Trung Quốc tăng cường khả năng chiến đấu của tất cả các binh chủng. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng vọt theo thời gian, cao gấp đôi chi tiêu quân sự của Nga năm 2013.
Pháo binh Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập
Mới đây, một khảo sát do Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Hàn Quốc thực hiện cho thấy có tới 2/3 người dân Hàn Quốc coi Trung Quốc là một “mối đe dọa quân sự” đối với Hàn Quốc.
Trong số 1000 người Hàn Quốc được khảo sát, có tới 66,4% số người tin rằng quân đội Trung Quốc đang đe đọa đến an ninh và hòa bình của Hàn Quốc nói riêng và cả khu vực nói chung. Nguyên nhân khiến đa số người dân Hàn Quốc quan ngại về sự đe dọa của Trung Quốc là do sự hung hăng, ngang ngược của nước này đối với các quốc gia láng giềng trong vấn đề tranh chấp biển đảo.