200 người mắc ung thư máu thoát án tử nhờ ghép tế bào gốc
Hơn 200 số phận những tưởng sự sống đã chấm hết song may mắn đã mỉm cười với họ khi công nghệ ghép tế bào gốc ra đời.
Bệnh nhân ghép tế bào gốc đang dần hồi phục tại bệnh viện.
Nếu ai đã từng có cơ hội gặp và tiếp xúc với những số phận không may mắc bệnh song được cứu sống nhờ phương pháp ghép tế bào gốc mới thấy được phần nào ý nghĩa nhân văn cao cả mà công nghệ này mang lại.
Có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong lễ tổng kết 10 năm hoạt động ghép tế bào gốc chiều 16/5, bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương (Bắc Giang) là 1 trong số hơn 200 bệnh nhân tìm lại được nụ cười hạnh phúc nhờ công nghệ ghép tế bào gốc.
Chia sẻ về thời gian mang trọng bệnh, Thanh Hương nói: “Như bao cô gái khác, khi lớn lên với những dự định, ước mơ và hoài bão về một tương lại tươi sáng, thế nhưng cuộc đời lại không như ý. Sau một lần bị sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân, tôi đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư máu. Từ trên đỉnh cao của hoài bão và ước mơ, tôi như rơi xuống vực thẳm đen tối của cuộc đời”.
Nhớ lại những ngày điều trị tại Viện, Thanh Hương tâm sự: Đây là khoảng thời gian buồn chán nhất đối với tôi khi xung quanh là bốn bức tường trắng. Tôi cảm thấy buồn cho số phận hẩm hiu của mình và thấy thương cho bố mẹ mình, chỉ có ánh sáng qua khe cửa sổ là cầu nối giữa tôi và thế giới bên ngoài trong lúc này.
Tuy nhiên sau khi điều trị được gần 1 năm, Thanh Hương được các bác sỹ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chỉ định ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc được lấy từ người chị gái ruột. Đến thời điểm này, sau khi ca ghép diễn ra hơn 2 năm, Thanh Hương đã trở thành cô gái khỏe mạnh, tự tin với công việc và cuộc sống.
Gặp Thanh Hương giờ đây không ai nghĩ cô đã từng là một bệnh nhân mang trọng bệnh với "án tử” được báo trước.
Sau ca ghép, Thanh Hương thấy sức khỏe hoàn toàn bình phục, tinh thần thoải mái. Hiện cô mở cửa hàng thời trang, công việc kinh doah rất thuận lợi.
Nguyễn Thị Thanh Hương là một trong số hàng trăm bệnh nhân ghép tế bào gốc được hồi sinh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Cũng tại buổi lễ tổng kết, ông Trần Quang Phong, một bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công quê ở Hưng Yên kể lại: "Cuối tháng 8-2012, tôi bị ho kéo dài, sút cân, kém ăn. Sau khi đi khám, tôi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu kinh dòng tủy, một dạng ung thư máu.
"Lúc đó, cả tôi và vợ con đều hết sức hoang mang. Trong gia đình, họ hàng không ai mắc căn bệnh này. Bản thân tôi suy sụp, như mang "án tử hình" bởi xác định đây là bệnh nan y, không biết sống chết lúc nào" - ông Phong nhớ lại.
May mắn, ông được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Trong 4 anh em trai được xét nghiệm thì có người anh cả và em út có kết quả cho tế bào gốc phù hợp.
“Đến nay sau 9 tháng được ghép tế bào gốc, sức khỏe của tôi đã tiến triển tốt. Kết quả xét nghiệm tủy đã âm tính. Phương pháp ghép tế bào gốc đã giúp tôi thay đổi số phận, gỡ "án tử hình" treo nặng bấy lâu nay”, ông Phong phấn khởi.
Phương thuốc kỳ diệu cho người mắc ung thư máu
GS.TS.Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho biết, từ tháng 11/2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được thực hiện thành công tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Đến thời điểm hiện tại, Viện đã ghép thành công 204 ca.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, trong hành trình 10 năm thực hiện ghép tế bào gốc, thành công của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chính là đã thành lập được ngân hàng gốc máu dây rốn cộng đồng.
Cho đến nay, Viện cũng thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.
Ông Trí khẳng định, kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt. Kết quả này có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao của các bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nói riêng và bệnh nhân mắc các bệnh về máu của Việt Nam nói chung.
“Đây là kỹ thuật có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Kỹ thuật này lấy từ máu dây rốn (một sản phẩm là rác thải y tế ) nay lại trở thành phương thuốc kỳ diệu cho người bệnh”, ông Trí cho hay.
Lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thông tin, nguồn tế bào gốc được lưu trữ không chỉ được sử dụng để điều trị bệnh máu mà còn có thể sử dụng cho để ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh khác như: Tiểu đường, parkinson, bệnh lý thần kinh …