20 năm chưa mở rộng xong 3 km đường cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TP HCM - Triển khai gần hai thập kỷ, dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch tổng vốn 680 tỷ đồng giáp sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ ngày hoàn thành vì vướng 78 mặt bằng.

Đoạn đường được nâng cấp dài gần 6 km nằm giáp sân bay Tân Sơn Nhất, chia làm hai nhánh chính kết nối từ đường Trường Chinh, quận Tân Bình tới đường Quang Trung, quận Gò Vấp.

Khi được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2005, dự án có tổng vốn hơn 273 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên khoảng 680 tỷ đồng, chủ yếu để bổ sung kinh phí bồi thường. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng ở dự án hiện vẫn "trầy trật" bởi còn 78 hộ trong tổng 701 trường hợp bị ảnh hưởng chưa đồng ý bàn giao.

Xe ùn ứ trên đường Phạm Văn Bạch, đoạn chưa mở rộng gần đường Trường Chinh, tháng 7/2024. Ảnh: Hạ Giang

Xe ùn ứ trên đường Phạm Văn Bạch, đoạn chưa mở rộng gần đường Trường Chinh, tháng 7/2024. Ảnh: Hạ Giang

Đến nay, công trình mới xong một nhánh phía đường Quang Trung (hiện là đường Tân Sơn), dài hơn hai km, rộng 12-22 m, 2-4 làn xe. Nhánh còn lại là đường Phạm Văn Bạch, kéo dài từ tuyến Trường Chinh qua kênh Hy Vọng đang bị án ngữ bởi hàng chục căn nhà chưa giải tỏa.

Mặt bằng đứt đoạn nên việc thi công tại đây ngưng trệ 5 năm nay. Một số vị trí đường rộng 6-7 m, "thắt cổ chai", thêm tình trạng người dân lấn chiếm buôn bán, họp chợ, khiến khu vực này thường xuyên ùn tắc nhất là đoạn gần đường Trường Chinh.

Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch đầu tư theo hình thức nhà nước và người dân cùng làm. Các hộ bị giải tỏa một phần đóng góp bằng cách giảm 50% giá trị bồi thường. Vì thế, một số hộ dân tại đây cho biết lý do họ không đồng thuận giải tỏa vì giá đền bù thấp.

Nhiều căn nhà chưa giải toả xen giữa các hộ đã lùi sâu vào trong trên đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, tháng 7/2024. Ảnh: Hạ Giang

Nhiều căn nhà chưa giải toả xen giữa các hộ đã lùi sâu vào trong trên đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, tháng 7/2024. Ảnh: Hạ Giang

Trong khi những hộ khác nói giá đền bù trước đây gần 26 triệu đồng mỗi m2, khi giao đất họ chỉ được nhận một nửa số tiền này nên chưa đồng ý. Sau đó, giá đền bù được điều chỉnh tăng thêm, song vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường nên nhiều hộ vẫn không chấp nhận.

"Giá đất tại đây hiện lên hơn trăm triệu đồng mỗi m2 trong khi mức bồi thường quá thấp nên tôi không thể di dời", chủ một cửa hàng đồ gia dụng ở đường Phạm Văn Bạch nói.

Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình Lê Thị Thu Sương cho biết ngoài một số hộ không đồng tình hiến 50% giá bồi thường, nhiều trường hợp sử dụng đất lấn chiếm, không đủ điều kiện nhưng yêu cầu đền bù theo giá đất ở. Một số hộ khác muốn được chi trả tiền theo giá thị trường hiện nay, khiến quá trình thu hồi đất cho dự án gặp nhiều khó khăn.

Vị trí đường Phạm Văn Bạch ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Đăng Hiếu

Vị trí đường Phạm Văn Bạch ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Đăng Hiếu

Về hướng giải quyết sắp tới, lãnh đạo quận Tân Bình nói đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại pháp lý phương án bồi thường, nguồn gốc sử dụng đất của các hộ. Dự kiến trong tháng 9 tới, địa phương làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) để xem xét từng trường hợp cụ thể và báo cáo thành phố tháo gỡ vướng mắc.

Ngoài ra, quận Tân Bình cũng đang vận động người dân đồng thuận chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh hoàn thành dự án vì đây công trình quan trọng giúp giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị ở cửa ngõ thành phố.

Tân Sơn Nhất là một trong những nơi có tình hình giao thông phức tạp nhất TP HCM, nhiều tuyến đường đã quá tải, thường xuyên ùn tắc. Ngoài đường Phạm Văn Bạch, khu vực trên có nhiều dự án lớn đang được TP HCM triển khai, như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám...

Trong quá trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, hàng chục nhà dân ở Hải Phòng bị lún, nứt, hư hỏng. Nhưng bảy năm đã trôi qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi được đền bù thoả đáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Giang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN