2 sân bay VN ở top 10 sân bay kém: Bên bị chê phản pháo

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá của Sleeping in Airports chưa phản ánh đầy đủ việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trang The Guide to Sleeping in Airports (www.sleepinginairports.net) vừa công bố bản danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á dựa trên bình chọn và phản hồi của độc giả, hành khách trên khắp thế giới. Trong đó, sân bay Nội Bài (Hà Nội) đứng thứ 5 và sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đứng thứ 8.

2 sân bay VN ở top 10 sân bay kém: Bên bị chê phản pháo - 1

Sân bay Tân Sơn Nhất còn phải cải thiện nhiều thứ để phục vụ hành khách tốt hơn Ảnh: TẤN THẠNH

Bị “dìm hàng” tơi tả

Về sân bay Nội Bài, Sleepinginairports.net tổng hợp nhận xét: “Sân bay quốc tế và nội địa thường được du khách nhắc đến như: Nóng, ồn ào, hỗn độn và không sạch sẽ cho lắm. Mặc dù là sân bay nằm trong vùng nhiệt đới nhưng điều hòa không khí dường như là vấn đề trầm kha của Nội Bài và sự đông đúc càng khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Những du khách mình đẫm mồ hôi còn thêm thất vọng bởi hệ thống biển hiệu chỉ dẫn nghèo nàn và rất ít nơi hiển thị thông tin về các chuyến bay”. Theo trang web này, một số vấn đề khác của sân bay Nội Bài là thiếu ghế ngồi cho hành khách, thiếu xe đẩy hành lý và không có đủ các quầy đổi tiền.

Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, Sleepinginairports.net bình luận: “Đây là một sân bay thường được miêu tả có đủ chức năng và tạm hợp lý nhưng vấn đề vệ sinh thì quả là… “hên xui”. Chỗ ngồi cho người chờ máy bay và chỗ ngủ cho những hành khách phải quá cảnh là vấn đề khá lớn chưa được giải quyết”.

Trang web này cũng trích dẫn nhận xét của du khách về sân bay Tân Sơn Nhất: “Điều hòa không khí là vấn đề đáng phải đặt dấu hỏi, còn mạng WiFi thì thực sự là hơn cả tồi tệ. Bạn sẽ chẳng kiếm được chỗ nào để ngồi ở đây”.

Cảm tính, thiếu khách quan (!)

Ngay sau khi Sleepinginairports.net đưa ra thông tin nói trên, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã chính thức có phản hồi.

Cục HKVN cho rằng Sleepinginairports.net không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không. Việc xếp hạng cảng hàng không tại website http://www.sleepinginairports.net thuần túy dựa trên việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Kết quả bình chọn này chưa phản ánh đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian qua.

Theo Cục HKVN, vừa qua, nhà ga T1 của sân bay Tân Sơn Nhất đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khá tốt, mở rộng khu vực phòng chờ và ghế ngồi cho hành khách. Đặc biệt, khu vực vệ sinh đã bảo đảm sạch sẽ hơn. Sân bay quốc tế Nội Bài cũng có nhiều cải thiện về chất lượng dịch vụ, tăng cường nhân lực tại khu vực check-in giúp hành khách làm thủ tục nhanh hơn.

Riêng sảnh E nhà ga T1 được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013 đã tăng năng lực khai thác tại sân bay này và nhà ga T2 sắp được hoàn thành sẽ đem lại diện mạo hoàn toàn khác cho sân bay quốc tế Nội Bài khi có 2 nhà ga hành khách quốc tế và quốc nội riêng biệt.

Mặc dù vậy, Cục HKVN vẫn coi đây là một thông tin quan trọng để có các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không Việt Nam, trong đó có Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động dưới góc độ của nhà khai thác, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific, cho rằng rõ ràng chất lượng dịch vụ của sân bay ở Việt Nam chưa thể sánh với một số nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, việc các trang tin về du lịch chưa rõ có đáng tin cậy hay không lại công bố danh sách bình chọn Việt Nam có đến 2 sân bay chất lượng tồi tệ nhất châu Á thì chúng ta có thể xem xét vì chưa hẳn khách quan.

“Có khi các hành khách chưa đi hết các sân bay ở những khu vực khác hay có bức xúc hoặc không hài lòng vì một vấn đề gì đó khi ở Việt Nam nên đưa những tâm trạng đó vào bài đánh giá” - ông Hà nhận định. Tuy vậy, theo ông Hà, chúng ta vẫn có thể xem đây là một ý kiến đáng ghi nhận để làm tốt hơn các dịch vụ cho hành khách của mình. 

Cái nào góp ý đúng thì sửa

Có thể nói các thông tin về những mặt hạn chế của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là tương đối chính xác. Những người từng có dịp ra nước ngoài đều có đánh giá như vậy nhưng nói chẳng ai nghe vì “Bụt nhà không thiêng”. Cái nào đúng thì cố gắng sửa, chưa đúng thì xem lại tại sao họ nghĩ sai? Không thể bắt thiên hạ nghĩ theo mình. Đừng vội mừng khi được khen và chớ vội buồn khi bị chê. Chưa kể những lời khen chê đó của ai, dựa theo những tiêu chí nào và cơ quan nào có thể kiểm chứng, giám sát để tin cậy.

Với kinh nghiệm nhiều năm “bôn ba” nước ngoài của mình, tôi không tin Tân Sơn Nhất lại tệ hơn các sân bay ở Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Afghanistan, Iraq, Mông Cổ... Tôi cũng không tin sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) có tên trong bảng “phong thần” này (hạng 6). Việc xếp hạng của Sleepingiairsports.net hình như chỉ dành cho những sân bay nổi tiếng của các nước và có phần cảm tính. Còn nhớ cách đây 3 năm, mạng GO của CNN từng bình chọn cao ốc Bitexco Financial Tower của Việt Nam xếp thứ 5/20 tòa nhà ấn tượng nhất thế giới trong khi Buji Khalifa - cao nhất thế giới, được xem là kỳ quan kiến trúc hiện đại - lại xếp thứ 18. CNN xếp hạng mà còn vậy huống gì là các trang mạng nhỏ hơn. Vì thế, tất cả đều tương đối!

Theo tôi, nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng với các sân bay hàng đầu ASEAN, chưa dám nói châu Á, Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải cải thiện các hệ thống nhà vệ sinh, máy lạnh, WiFi, mở thêm nhiều quầy thu đổi ngoại tệ, hoàn thuế, thông tin... Nhất thiết phải có khu vực riêng cho hành khách nghỉ ngơi khi chờ quá cảnh hoặc hủy chuyến. Cái khó nhất là thay đổi từ nhận thức đến thái độ phục vụ, thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của nhân viên sân bay bởi đây là bộ mặt của đất nước.

Nội Bài mới đưa vào hoạt động vào năm 1978 nhưng Tân Sơn Nhất đã góp mặt từ năm 1930 và là sân bay xưa nhất ASEAN. Thập niên 50 của thế kỷ trước, Tân Sơn Nhất từng là sân bay hiện đại hàng đầu châu Á, đến thập niên 60 thì xuống hàng đầu ASEAN và sau năm 1975 chỉ còn hiện đại nhất Việt Nam! Nhắc lại không phải để hoài cổ, tự an ủi mà là để nỗ lực vươn tới.

Nguyễn Văn Mỹ (Tổng Giám đốc Công ty Lửa Việt)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà - Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN