2 công trình tạo đà bứt phá hạ tầng giao thông miền Tây

Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ còn góp phần tạo liên kết đồng bộ, là cơ sở để vùng ĐBSCL phát triển.

Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng ngay trong những ngày cuối tháng 12-2023 đã giúp những nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL từng bước được tháo gỡ, thỏa niềm mong ước của 20 triệu người dân nơi đây. Đây cũng là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn từ TP.HCM đến TP Cần Thơ dài 120 km.

Thỏa niềm mong ước của người dân

Hai dự án được hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi TP Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước kia. Việc này cũng góp phần hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ.

Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m, quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Ảnh: CHÂU ANH

Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m, quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Ảnh: CHÂU ANH

Anh Lê Văn Nhựt (quê quận Ô Môn, TP Cần Thơ, làm việc ở TP.HCM) nói: Những năm qua, về quê mỗi dịp lễ, Tết là nỗi ám ảnh của những người dân miền Tây, ngồi xe có khi 6-7 tiếng. Tết này đường về nhà đã thông thoáng hơn, ăn Tết sẽ vui hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Kiều Chinh (ngụ TP Cần Thơ) cũng bày tỏ niềm phấn khởi khi hai dự án lớn được khánh thành. “Gần 20 năm rồi, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ giờ sắp được nối liền mạch. Niềm mong ước của người dân vùng ĐBSCL đã thành hiện thực, thật sự rất mừng” - chị Chinh nói.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu. Trong đó, cầu chính có chiều dài khoảng 1,9 km, quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Điểm đầu tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang (nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận); điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ).

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, đi qua Vĩnh Long và Đồng Tháp, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh sáu làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, phân kỳ đầu tư bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu tại TP Vĩnh Long kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và, Vĩnh Long.

Ông Trần Văn Tiến (chành xe vận chuyển hải sản tuyến Cà Mau - TP.HCM) cũng vui mừng khi tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ liền mạch, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí vận chuyển. “Cao tốc thông suốt rồi, thời gian vận chuyển được rút ngắn, góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp” - ông Tiến nói.

Tạo đà bứt phá về kinh tế - xã hội

Chia sẻ với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 đã giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1; kết nối đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Điều này đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân, tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để vùng ĐBSCL phát triển.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Là địa phương được thụ hưởng từ cả hai dự án, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhìn nhận hai dự án này sẽ giúp tỉnh tạo ra không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư…, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo ông Ngời, khi các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với hai dự án này. Từ đó, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi..., ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc, từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của tỉnh dọc theo sông Tiền và sông Hậu.

Đánh giá thêm, chủ tịch tỉnh Vĩnh Long cho hay hai dự án đi vào khai thác đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL, nối liền tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi TP Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, TP vùng ĐBSCL với trung tâm kinh tế TP.HCM. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn; thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Cầu Mỹ Thuận 2 - dấu ấn trí tuệ Việt Nam

Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công.

Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT (chủ đầu tư), cho biết khi triển khai dự án, các đơn vị đã gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đầu tiên đây là cầu dây văng nhịp lớn, địa chất phức tạp, vị trí nằm ngay ngã ba sông với hai hố xói sâu khoảng 42 m dưới lòng sông gần khu vực trụ tháp nên gặp khó khăn về kỹ thuật, công nghệ. “Cọc khoan nhồi có đường kính 2,5 m và sâu 115 m. Khi triển khai khoan cọc bằng công nghệ RCD đã gặp nhiều vấn đề không lường trước. Sau khi tạm ngưng ba tháng, nhiều lần thi công thử nghiệm… chúng tôi mới hoàn thành công nghệ thi công và áp dụng chính thức” - ông Dũng kể lại.

Khó khăn kế đến là việc huy động khối lượng vật tư, vật liệu rất lớn cho công trình, trong bối cảnh có biến động lớn về giá cũng như nguồn cung. Một khó khăn khác là thời điểm thi công cầu Mỹ Thuận 2 là trong giai đoạn dịch COVID-19, mọi hoạt động di chuyển, giao thương, cung ứng vật tư đều phải tạm dừng...

“Các yếu tố sáng tạo, chủ động, không chủ quan, dự báo trước các rủi ro là các nguyên nhân chính góp phần đưa dự án cầu Mỹ Thuận 2 về đích đúng tiến độ, an toàn, đảm bảo chất lượng” - ông Dũng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

14 dự án đường bộ cao tốc dự kiến được khởi công trong năm 2024

Trong năm 2024, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng 3 dự án đường bộ cao tốc và hỗ trợ các địa phương hoàn thành hồ sơ để khởi công 11 dự án khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÂU ANH ([Tên nguồn])
Công trình giao thông trọng điểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN