184 lao động Việt Nam ở Libya trở về từ "cõi chết"
Vào lúc 13h30 ngày 10/8, chuyến bay đưa 184 lao động Việt Nam tại Libya đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Chuyến bay chở người lao động làm việc tại Libya từ Cairo (Ai Cập) về Việt Nam về trễ hơn 40 phút so với dự kiến (12h50). Sau khi thực hiện công tác kiểm dịch y tế tại sân bay, đến 15h, đoàn lao động được đưa về các bến xe trung tâm thành phố để về quê. May mắn sống sót trở về từ vùng chiến sự Libya ác liệt, những người lao động nghèo khó không giấu nổi sự xúc động khi gặp lại người thân. Những cái ôm, nắm tay và cả những giọt nước mắt như vỡ oà trong ngày đoàn tụ.
Không kịp ăn trưa, anh Trần Văn Thiết vội vã ra sân bay đón anh trai là Trần Văn Chung (ở xã Ngọc Thạch – Phúc Yên – Vĩnh Phúc). Anh Chung đã đi Libya được 6 tháng. “Nghe tin chiến sự ở Libya, gia đình rất lo lắng cho anh. Biết tin anh về hôm nay, gia đình tôi đã bỏ hết công việc để lên đón anh”.
Những lao động đầu tiên đặt chân xuống sân bay Nội Bài.
Đôi mắt mải miết nhìn về cánh cổng nhà ga, ông Đỗ Văn Khanh nôn nóng, mong chờ thời gian nhanh trôi qua để được nhìn thấy con trai Đỗ Mạnh Cường (41 tuổi). Anh Cường đi xuất khẩu lao động sang Libya được 8 tháng. “Gia đình cũng mới trả hết số nợ 50 triệu, tiền con gửi về chưa để ra được đồng nào. Biết tin xảy ra chiến tranh ở bên đó, gia đình tôi đứng ngồi không yên. Tôi chỉ mong được nhìn thấy con lành lặn trở về”.
Đúng 1h30, chuyến bay từ Cairo (Ai Cập) hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đoàn người lao động lần lượt bước xuống, khuôn mặt mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Đa số họ vẫn khoác nguyên tấm áo đồng phục bảo hộ nhuốm màu cát bụi.
Nhiều người vui mừng khi trở về từ vùng chiến sự ác liệt.
Trở về từ nơi xảy ra chiến sự ác liệt, hằng ngày hằng giờ đều nghe thấy tiếng súng nổ bên tai, anh Nguyễn Minh Trọng (Nam Sách – Hải Dương) vẫn chưa hết hoảng sợ, anh chia sẻ: “Đặt chân xuống sân bay, tôi mới thật sự tin là mình đã an toàn trở về quê hương. Ở đó, cả ngày lẫn đêm không ngớt tiếng súng nổ. Tôi đi lao động mới được 6 tháng, chưa trả đủ tiền vay vốn lúc đi nhưng toàn mạng trở về là may lắm rồi”.
Nhiều người vui mừng vì gặp lại gia đình, người thân, nhưng có người lại không dám về nhà vì chưa trả hết tiền vay làm chi phí lúc đi.
Anh Nguyễn Văn Kha (43 tuổi, ở Thái Lai, Tiến Thắng, Mê Linh, HN) tâm sự: “Về đến quê, tôi rất mừng nhưng thấy buồn cho cậu em ở cùng quê. Nó không dám về quê vì chưa đủ tiền trả nợ lúc vay đi. Chúng tôi trở về gần như tay trắng, chưa biết sắp tới sẽ làm gì để kiếm sống”.
Không ít người lao động lo lắng vì chưa trả hết tiền vay làm chi phí lúc đi.
Được biết, đoàn lao động Việt Nam trở về lần này hầu hết làm việc tại các công trình xây dựng của công ty TNHH Hyundai Engineering. Để được sang Libya làm việc, lao động Việt Nam phải nộp chi phí ban đầu hơn 40 triệu đồng. Mức lương họ được hưởng từ 300 đến 400USD/ tháng. Trừ chi phí hằng tháng, số tiền còn lại họ cố dành dụm để gửi về cho gia đình.
Trả lời báo chí, ông Jung Buyng Hun - Trưởng văn phòng đại diện Huyndai Engineering tại Việt Nam - cho biết, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Vietnam Airlines và Bộ LĐ-TB&XH để nhanh chóng đưa 682 lao động còn lại tại Libya về Việt Nam an toàn.
"Ngày mai 11/8, chúng tôi tiếp tục đưa 245 lao động và ngày 12/8 sẽ đưa 239 lao động về Việt Nam. Công ty chúng tôi hỗ trợ tất cả chi phí đưa lao động về nước, trong đó có thuê chuyên cơ riêng với chi phí lên đến hơn 1 triệu USD" - ông Buyng Hun nói.
Ông Buyng Hun cũng cho hay, công ty sẽ chi trả tất cả tiền lương cho lao động đến ngày làm việc cuối cùng tại Libya và tạo điều kiện sử dụng lao động Việt Nam từ Lybia cho những dự án khác của công ty.
Xung đột tại Libya kéo dài 3 năm nay, kể từ khi chính quyền của ông Muammar Gaddafi bị lật đổ. Đất nước Bắc Phi diễn ra cuộc đối đầu đẫm máu giữ phong trào Hồi giáo cùng các phần tử có liên quan tới Al-Qaeda với đội quân do tướng về hưu Khalifa Hifter lãnh đạo. Trước tình hình chiến sự leo thang tại Libya, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tạm dừng đưa lao động sang làm việc tại nước này. Ngoài ra, Bộ lên kế hoạch lao động đang làm việc tại Tripoli và Bengazi (Libya) về nước. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện 3 chuyến bay từ Hà Nội đi Cairo (Ai Cập), nơi các lao động đang được tập hợp ở Ai Cập, vào các ngày 9, 10 và 11/8 bằng máy bay Airbus A330. Năm 2011, cũng do chiến sự Libya, khoảng 10.000 lao động Việt Nam đã phải về nước trước thời hạn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lẫn người lao động thiệt hại nặng nề. |