18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản HN có bị phơi nhiễm HIV?
“Trong chuyên môn, chúng tôi gọi những trường hợp này là phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp”, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định.
Sau thông tin 18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV từ ca mổ, nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là phơi nhiễm HIV và tại sao lượng bác sĩ trong kíp cấp cứu lại bị phơi nhiễm nhiều như thế.
Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ công tác trong ngành virus-ký sinh trùng cho rằng, trong số 18 y, bác sĩ này không có trường hợp nào bị phơi nhiễm HIV. 18 người uống thuốc kháng virus HIV để dự phòng là lãng phí và thiếu hiểu biết.
Theo ông, máu bắn qua mắt, qua niêm mạc hoặc khi mổ, khâu cho bệnh nhân bị dao cứa qua găng tay, hoặc bị kim đâm qua găng mới gọi là phơi nhiễm.
“Chiếu theo những dấu hiệu này, 18 y, bác sĩ chưa đủ tiêu chuẩn gọi là phơi nhiễm”, vị bác sĩ khẳng định.
Trong khi đó, ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – người từng làm mấy chục năm trong chuyên ngành truyền nhiễm cho biết, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, dịch của người nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.
Thông thường, những người bị kim đâm khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm, vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; Người bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; Người bị máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng)... sẽ bị phơi nhiễm HIV.
“Đối chiếu với sự việc 18 y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi khẳng định họ bị phơi nhiễm HIV nghề nghiệp”, bác sĩ Cấp nói.
Ông lý giải, phơi nhiễm nghề nghiệp là nguy cơ lây nhiễm bệnh mà không được bảo vệ. Trong trường hợp này, phơi nhiễm HIV là kim tiêm đâm, máu bắn vào tay, vào niêm mạc hoặc trong phẫu thuật, bác sĩ bị thủng găng nhưng không biết.
“Rất nhiều trường hợp cấp cứu cho người HIV, bác sĩ không kịp đeo găng tay hoặc chưa kịp kiểm tra xem găng có bị rách hay không. Ngoài ra, bàn tay bị tổn thương vết rất nhỏ mà bác sĩ cũng không hay biết. Trong trường hợp này đều được coi là phơi nhiễm”, bác sĩ Cấp nói.
Theo bác sĩ Cấp, trong lúc mổ, bác sĩ không đeo kính, máu bắn vào niêm mạc mắt cũng bị phơi nhiễm. Do tính chất âm thầm khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm HIV nên trong tình huống này cũng được coi là phơi nhiễm HIV.
Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, theo quy định, trong lúc mổ cho người nhiễm HIV, bác sĩ phải đeo 2 lần găng tay, trong đó một lần găng tay dày. Bác sĩ cũng phải có kính chuyên dụng và mạng che mặt để bảo vệ mặt, mắt. Bởi trong quá trình mổ, biết đâu máu bệnh nhân HIV lại gây tổn thương cho bác sĩ.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: “18 y bác sĩ trong kíp cấp cứu ngày 4.7, trong chuyên môn, chúng tôi gọi đây là những trường hợp phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp".
Ông Long lý giải, cấp cứu bệnh nhân là công việc thường xuyên của các bệnh viện. Tuy nhiên, một lúc nhiều cán bộ y tế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trong trường hợp này là hiếm gặp.
“Sự việc này là lần đầu tiên trong cả nước xảy ra tình trạng phơi nhiễm HIV tập thể cho 18 cán bộ y tế. Sự việc xảy ra là một trong những rủi ro nghề nghiệp đối với các cán bộ y tế. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm không cao. Tôi tin các cán bộ y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không bị lây nhiễm HIV”, ông Long cho hay.