17 sở có thể sẽ sáp nhập, hợp nhất

Sự kiện: Thời sự

Trong số 21 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, chỉ có bốn sở được Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước.

Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và cá nhân.

Sở nào hợp nhất, sở nào còn giữ?

Đáng chú ý, trong số 21 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, chỉ có bốn sở được Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước gồm: Sở Tư pháp, TN&MT, LĐ-TB&XH và Y tế.

Đối với các sở KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương, GD&ĐT, KH&CN, VH-TT&DL, TT&TT, dự thảo đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau.

Riêng với các sở Nội vụ, thanh tra tỉnh, văn phòng UBND, dự thảo cũng đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất tương ứng với Ban tổ chức tỉnh, Ủy ban Kiểm tra tỉnh và văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Đối với bốn sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP.HCM) và ba sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch), Bộ Nội vụ đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập…

17 sở có thể sẽ sáp nhập, hợp nhất - 1

Theo dự thảo, Sở KH-ĐT sẽ sáp nhập với Sở Tài chính bởi chức năng, nhiệm vụ của hai sở này có  mối quan hệ liên thông với nhau. Ảnh: HTD

Cơ sở sáp nhập các sở

Phân tích về cơ sở của việc sắp xếp các sở, Bộ Nội vụ cho rằng hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính bởi chức năng, nhiệm vụ của hai sở này có mối quan hệ liên thông với nhau. Việc hợp nhất này sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, đảm bảo việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách. Qua đó hạn chế tối đa sự giao thoa về nhiệm vụ giữa hai sở này vốn kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ. Trường hợp hợp nhất các sở này sẽ có tên gọi là Sở Tài chính-Kế hoạch.

Hà Nội và TP.HCM còn bao nhiêu sở?

Ngoài sáp nhập, hợp nhất, Bộ Nội vụ cũng đề xuất khung số lượng các sở với nhiều phương án khác nhau. Theo đó, phương án 1, đối với Hà Nội, TP.HCM không được quá 20 sở. Các tỉnh còn lại 17-19 sở, ngành. Theo phương án này, Bộ Nội vụ dự kiến sẽ giảm tối thiểu được 46 sở và đây cũng là phương án bộ này đề xuất lựa chọn.

Phương án 2 được đề xuất Hà Nội, TP.HCM không quá 20 sở, ngành, các tỉnh, thành còn lại không quá 17-18 sở. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm tối thiểu được 88 sở trên phạm vi cả nước.

Về hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng, theo Bộ Nội vụ, việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công tư BOT, BT, PPP luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị.

Vì vậy, việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ đảm bảo nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị. Trường hợp hợp nhất các sở này thì có tên gọi mới là Sở GTVT-Xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất phương án hợp nhất Sở NN&PTNT với Sở Công Thương; hợp nhất Sở TT&TT với Sở VH-TT&DL; hợp nhất Sở KH&CN với Sở GD&ĐT.

Theo dự thảo, việc thí điểm hợp nhất giữa Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy; thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy; thực hiện chủ trương thí điểm hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước có chức năng nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh những nơi có đủ điều kiện theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương.

Trường hợp thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy thì có tên gọi là Sở Tổ chức-Nội vụ; hợp nhất thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra thì gọi là Kiểm tra-Thanh tra cấp tỉnh.

Nhiều phòng ở huyện có thể sẽ hợp nhất

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 37 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Theo đó, chỉ có năm phòng chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả huyện trên cả nước, gồm Tư pháp, Tài chính-Kế hoạch, TN&MT, Văn hóa và Thông tin, GD&ĐT.

Các phòng chuyên môn còn lại sẽ để HĐND cùng cấp quyết định thành lập hoặc không, cho giữ nguyên hoặc cho hợp nhất. Chẳng hạn, Nội vụ có thể hợp nhất với LĐ-TB&XH; Y tế có thể không thành phòng riêng nữa mà chuyển chức năng tham mưu lĩnh vực này cho văn phòng UBND huyện.

Để phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, từng quận, huyện sẽ quyết định tổ chức lại ba phòng chuyên môn có tính đặc thù. Cụ thể, có thể lập hai phòng kinh tế, quản lý đô thị với các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Hoặc lập hai phòng NN&PTNT, kinh tế và hạ tầng với các huyện.

Dự thảo nghị định sửa đổi cũng dự liệu tình huống thí điểm hợp nhất cơ quan của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện.

Chẳng hạn, thanh tra huyện mà hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra thì tổ chức mới sẽ có tên gọi là Kiểm tra-Thanh tra huyện. Phòng Nội vụ, Phòng Lao động và Xã hội mà hợp nhất Ban Tổ chức thì sẽ có tên gọi tương ứng là Phòng Tổ chức-Nội vụ hoặc Phòng Tổ chức, nội vụ, lao động và xã hội. Văn phòng HĐND và UBND huyện nếu thí điểm hợp nhất với văn phòng cấp ủy thì sẽ có tên gọi là văn phòng Đảng, HĐND và UBND.

Các tổ chức này sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo song quy, tức cả đảng quy và pháp quy.

NGHĨA NHÂN

Bí thư Hà Nội: Hệ quả 10 năm sáp nhập vẫn đang xử lý

Sáng nay, 30-10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chia sẻ như vậy bên hành lang Quốc hội khi nói về kết quả tinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Nguyệt (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN