16 năm kiếm cơm bằng nghề “săn”… gián giữa Sài thành
16 năm qua, “săn” và nuôi gián đã giúp ông bà trở nên “nổi tiếng”, trở thành đầu mối độc quyền cung cấp mặt hàng “dị” này cho nhiều “thượng đế”.
“Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn tin cái nghiệp này đã chọn mình. Nhiều lần bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác rồi vợ chồng tôi vẫn quay lại… bắt gián mưu sinh. Đó cũng là cơ duyên, vì nhờ số tiền bắt gián, tôi mới nuôi sống được các con nên người như bây giờ”, bà Trần Thị Kim Anh trải lòng. 16 năm qua, “săn” và nuôi gián đã giúp ông bà trở nên “nổi tiếng”, trở thành đầu mối độc quyền cung cấp mặt hàng “dị” này cho nhiều “thượng đế”.
Ông Hồ Hoàng Khanh kể “chuyện nghề” với PV
“Chắc do nghề chọn mình”
Tìm đến con hẻm 748, đường Hồng Bàng, phường 1, quận 11, TP.HCM, chúng tôi may mắn được gặp đôi vợ chồng “nổi tiếng” nhờ mưu sinh bằng nghề “độc”… bắt gián. Con hẻm nhỏ nhiều ngõ ngách là thế nhưng không khó để chúng tôi hỏi thăm đường tìm đến ngôi nhà của bà Trần Thị Kim Anh (52 tuổi) và ông Hồ Hoàng Khanh (55 tuổi), bởi chỉ cần hỏi về “đôi vợ chồng bắt gián”, ai nấy đều tỏ tường. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, người dân quanh khu vực chợ Bình Thới (phường 10, quận 11, TP. HCM) đều bắt gặp hình ảnh đôi vợ chồng lúi cúi quanh các sạp hàng khi trời đã xế chiều.
Tiếp chúng tôi giữa trưa nắng gắt, ông Khanh kể: “Tháng này nắng nóng, người ta ít đi câu, với lại bắt gián cũng khó, nên thu nhập của vợ chồng tôi cũng vô chừng lắm”. Xung quanh câu chuyện “nghề”, chúng tôi được họ trải lòng về chính cuộc đời cơ cực của mình. “Trước khi đến với nghề bắt gián này, vợ chồng tôi cũng đã “qua tay” biết bao nghề. Lúc đó, tôi làm nghề uốn mài lưỡi câu cho tiệm chuyên phục vụ dân đi câu cá. Ở đây, chủ tiệm thường bán kèm cả côn trùng cho khách làm mồi câu. Rồi tôi được người chủ mách nước bắt gián để bán cho dân câu vì đây là loại mồi được ưa chuộng nhất, công việc không mất vốn được bao nhiêu lời bấy nhiêu, tôi chuyển qua thực hành thử. Ai ngờ cái nghề kỳ quái đó đeo bám vợ chồng tôi đến tận bây giờ, và trở thành nghề mưu sinh, nuôi sống cả gia đình”, ông Khanh trải lòng.
Ngồi cạnh bên chồng, bà Kim Anh không ngần ngại chia sẻ về cuộc đời cơ cực của mình trước đây. Bà cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông anh em. Năm bà lên ba tuổi, cha qua đời, mẹ đi thêm bước nữa. Những tưởng cuộc sống có cha sẽ là điểm tựa vững chắc cho mấy mẹ con nhưng không ngờ, người cha dượng chỉ suốt ngày nhậu nhẹt say xỉn và về nhà đánh đập mẹ bà. Cuộc sống chật vật, đói nghèo bủa vây, bà đành phải bỏ học ở nhà phụ mẹ bằng cách đi bán vé số dạo.
Tiếp lời vợ, ông Khanh cho biết: “Gia cảnh nhà tôi cũng nghèo khó chẳng kém gì nhà bà ấy, nên khi lấy nhau, cuộc sống của hai vợ chồng cũng chẳng thoát được cái nghèo. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng thêm khốn khó, làm biết bao nhiêu nghề nhưng rồi cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là nghỉ giữa chừng”. Xoay xở đủ kiểu vẫn không kiếm nổi cái ăn, ông bà đã từng rất tuyệt vọng. Kể cả những ngày đầu quyết định làm công việc bắt gián, ông bà cũng nản lòng lắm bởi giá bán gián quá thấp, lại chưa biết cách nào bắt cho hiệu quả. Trong khi đó, giá cả chi tiêu trong cuộc sống giữa Sài Gòn xa hoa ngày càng đắt đỏ. Và lắm lúc, ông bà cũng không tránh khỏi nỗi mặc cảm vì cái nghề “kém cỏi” mà mình đang theo đuổi khiến lắm người hiếu kỳ, cười chê.
Cuộc đời cũng thật có lắm chuyện không ngờ. Việc bắt gián tưởng chừng như chỉ là trò chơi của mấy cậu bé trong xóm nhỏ lại là nghề mưu sinh nuôi gần chục miệng ăn trong cái nhà nhỏ bé ấy. Đôi bàn tay chai sạn vì mò mẫm ngần ấy năm trong các lớp đất ẩm thấp để tìm gián của bà Kim Anh thi thoảng lại đưa lên mặt lau những dòng mồ hôi nhễ nhại.
Lúc đó phần vì thu nhập không được bao nhiêu lại bị nhiều người trêu ghẹo, họ đành bỏ nghề đi giúp việc nhà hay đi bán vé số dạo. Nhờ một người quen thương tình, hai vợ chồng bà vay được một số vốn nhỏ để mua một chiếc xe đẩy để đi bán hủ tiếu. Nhưng lời lãi đâu chẳng thấy, chỉ biết hai vợ chồng không có đủ tiền để đi chuộc chiếc xe vì bị công an bắt. “Vợ chồng tôi nghĩ, bị bắt lần này rồi sẽ có lượt khác, lấy tiền đâu mà chuộc xe nên bàn đi tính lại, chúng tôi lại quay về với nghề bắt gián”, ông Khanh tâm sự.
Biến đêm thành ngày để hành nghề
Gián được đem về nuôi trong thùng nhựa
Đang trò chuyện với khách, ông Khanh vội đứng dậy lôi ra hai chiếc thùng nhựa đỏ đã cũ kĩ rồi chỉ cho chúng tôi thấy những con gián đang được nuôi bằng đồ ăn bỏ đi và mớ giấy báo nhàu nhĩ. Bên cạnh đó, ông bà còn chăm cả những con gián nhỏ còn chưa mọc cánh. Theo ông, tất cả đã được đặt hàng chỉ chờ người ta đến lấy. Giá bán mỗi con gián là 100 đồng/con. Mỗi ngày, ông bà cũng thu nhập được khoảng từ 70.000 đến 150.000 đồng. “Chỉ cần có đơn đặt hàng thì bất kể ngày nắng hay mưa, chúng tôi cũng đi bắt gián, khi nào đủ số lượng của khách yêu cầu mới thôi. Chỉ tội vợ tôi, có những hôm dầm mưa 4-5 tiếng đồng hồ, đến mức về nhà là đổ bệnh”, ông Khanh nói.
Hàng ngày, bà Kim Anh với đứa con út đi bán vé số đến 4 giờ chiều mới quay về nhà. Không kịp nghỉ ngơi, bà cùng với chồng đi đến các khu đất trống, bụi rậm, bãi hoang, cống rãnh hay những khu sạp quanh chợ Bình Thới để bắt gián. “Đồ nghề” của họ là một chiếc xẻng và một cái xô đựng gián. “Chỉ cần đưa xẻng xúc đất ẩm lên và phải nhanh tay bắt gián là được. Ở những vùng đất như thế này có rất nhiều gián nhỏ cỡ nửa đầu ngón tay. Bắt được rồi thì cho vào xô, nhưng nhớ là phải bôi mỡ trên miệng xô để gián không chạy ra ngoài được”, bà Kim Anh “bật mí” về những “ngón nghề” của mình.
Hồi đầu mới “vô nghề”, bắt được mấy con gián ở chợ Bình Thới đem về nhà mà mùi hôi của nó cứ “vương vấn” suốt cả giấc ngủ của hai ông bà. “Mùi hôi của gián thật là kinh khủng. Cứ hình dung nếu chạm tay vào một con gián chết thì 18 tiếng sau, trên tay mình vẫn phảng phất mùi khó chịu. 15 năm trong nghề, đến nay, vợ chồng tôi đã “miễn nhiễm” với mùi đó rồi. Đến cả mấy đứa con, bao nhiêu năm ăn ngủ với gián riết rồi cũng quen luôn”, bà Kim Anh cho hay. Có hôm, hai vợ chồng bà cặm cụi đạp xe ra tận ngoại thành để bắt gián đến 1-2 giờ sáng mới về. Với những con gián to, ông Khanh lại đem bán ngay, còn gián nhỏ, ông đem về nhà “nuôi” trong một cái chậu khác, đợi khi chúng đủ kích cỡ rồi mới đem bán cho khách. Ông thật thà kể: “Trong một lần xem chương trình ti vi, thấy mấy người nước khác nuôi gián bằng cách cho ăn giấy báo nên tôi cũng thử làm. Chúng nhanh lớn lắm nên vợ chồng tôi nhận được rất nhiều mối, có người còn đặt hàng ở dưới tận Long An, Tiền Giang về để làm mồi câu”.
Cũng từ đó, trong ngôi nhà nhỏ tại con hẻm 748 suốt 15 năm qua tồn tại một “cơ sở” nuôi gián và “chuyên” cung cấp mồi câu cho dân đi câu hay những đại gia ham mê thú chơi cá. Tuy công việc tương đối ổn định, nhưng cũng có lúc trời mưa to, nhất là vào mùa mưa, người ta ít đi câu cá, cả ngày ông bà không thu nhập được đồng nào. Bà Kim Anh cho biết, trước đây bà đi bắt gián để kiếm tiền nuôi các con khôn lớn và phần nào cho chúng được học hành đầy đủ. Còn bây giờ, ông bà làm vì cái “nghiệp” mà thôi. Ông Khanh vui vẻ nói: “Chúng tôi duy trì nghề này để vợ chồng tự lo cho bản thân, không phiền hà đến con cái, kiếm chút đỉnh an dưỡng khi về già. Nay các con đã khôn lớn, tự lo được cho bản thân, nên gánh nặng cơm áo gạo tiền không quá đè nặng lên vai chúng tôi nữa”.
Nghề mưu sinh cơ cực “Cũng từng có nhiều lời bàn ra tán vào, thậm chí có người ác ý còn cho rằng, cái nghề bắt gián này thật dơ bẩn theo đúng nghĩa đen của nó. Nhưng ngẫm lại, dù có bẩn, có kỳ lạ thì đó vẫn là nghề lương thiện. Vừa rồi, ở phường 1 có chương trình tuyên dương những người đi bắt gián đã có công rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, vợ chồng tôi cũng được xướng danh”, ông Khanh cười lớn. |