Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

Hôm nay (26-9), đúng 15 năm trôi qua nhưng sự mất mát, đau buồn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm nào vẫn còn hiện hữu trong tâm trí những người thân của 55 nạn nhân. Người còn sống sót chọn cách quên đi tai nạn tàn khốc đó, còn những thân nhân người bị nạn cố gắng nén nỗi đau để tiếp tục sống cho tương lai.

15 năm sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - 315 năm sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - 4

Xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là nơi có nhiều nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào ngày 26-9-2007. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Ấp đội trưởng ấp Mỹ Hưng 2, dẫn chúng tôi tham quan một vòng xã Mỹ Hoà. Đây là vùng trồng bưởi Năm Roi nổi tiếng nhất Vĩnh Long. Dọc theo những con đường trong ấp thẳng tắp là những vườn bưởi đang cho trái trĩu quả, bên cạnh nhiều ngôi nhà khang trang. Bây giờ Mỹ Hoà thay da đổi thịt rất nhiều. 

"Từ khi Khu Công nghiệp Bình Minh được thành lập, rất nhiều nhà đầu tư đến đây mở nhà máy sản xuất, từ đó tạo công an việc làm cho người dân ở xã Mỹ Hoà và các vùng lân cận. Nếu như hơn chục năm trước, đường vào ấp Mỹ Hưng 1 và Mỹ Hưng 2 sình lầy, ôtô không đến được thì hiện nay đã được đầu tư một con đường láng nhựa, rộng thênh thang " - ông Tuấn phân bày. 

Trong khi đó, theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ấp Mỹ Thới 2, khoảng vài năm gần đây, diện tích trồng bưởi Năm Roi trong ấp giảm, nhưng nhờ có Khu Công nghiệp Bình Minh nên tạo được việc làm cho lao động ở địa phương. Ông Đông cho biết: "Tại ấp có 4 người gặp tai nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào 15 năm trước. Trong đó, người còn sống nhưng bị tàn tật là ông L.T.C. Địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên họ".

Đường vào ấp Mỹ Hưng 1 và Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hoà được xây dựng sau sự cố, tạo điều kiện cho lưu thông của người dân.

Ngồi trên chiếc xe lăn, ông L.T.C (43 tuổi), thở dài: "Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi không nhớ gì hết về sự cố đó. Nghe vợ nói lại là sau khi sập nhịp dẫn, tôi bị chấn thương ở đầu, rồi bị liệt 2 chân, ban đêm nhiều khi nhức toàn thân nên không ngủ được. Xã có cấp thẻ BHYT cho tôi để đi lãnh thuốc uống". 

Theo lời ông Đông, các nạn nhân may mắn sống sót ngụ ở ấp, sau sự cố được bồi thường và hỗ trợ rất nhiều tiền, thấp nhất là 500 triệu đồng và nhiều nhất hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, họ sử dụng tiền không hiệu quả và xài hết lúc nào không hay. Hiện nay, nguồn thu nhập trong gia đình ông C. phải nhờ vào vợ và con đi làm công nhân tại Khu Công nghiệp Bình Minh.

Một trong những người may mắn sóng sót và còn làm việc được là ông Nguyễn Văn Trí (49 tuổi; ngụ ấp Mỹ Hưng 1), nhưng ông Trí cũng không nhớ gì về sự cố tàn khốc đó. "Sau này nghe kể lại là trước khi xảy ra tai nạn, tôi cùng mấy người trong tổ làm ở hộc phía dưới mặt cầu. Sau đó thì sập nhịp, tôi được mọi người đưa ra khỏi đống đổ nát và nằm bệnh viện ở Cần Thơ gần 1 tháng trời do dập não" - ông Trí nói.

Ông Nguyễn Văn Trí may mắn sống sót và hiện vẫn còn lao động được.

Bà Trần Thị Phương (vợ ông Trí) vẫn còn nhớ như in cảnh tượng năm nào. "Tôi nghe người quen chạy lại nhà cho hay là chồng gặp tai nạn nên vội ra tìm, nhưng không thấy vì ổng đã được chở qua bệnh viện. Tôi đinh ninh trong đầu là chồng mình chết vì thấy nhiều người tử vong rồi. Sau mấy ngày tự trấn an, tôi nhờ một ghe cào chở qua Cần Thơ thăm ổng, may là ông ấy vẫn còn trên cõi đời" - bà Phượng nói. Tuy không nhớ về cảnh tàn khốc năm đó, nhưng trong những giấc mơ ông Trí vẫn hay thấy ác mộng. Những đêm trái gió trở trời, vai bên phải ông lại đau nhức.

15 năm sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - 1115 năm sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - 12

Sau sự cố, ông Trí được bồi thường và hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng. Với số tiền này ông đã mua 2 công vườn trồng bưởi và xây cất lại căn nhà. Ông Trí bày tỏ: "Nhờ năm đó mình sử dụng tiền có hiệu quả nên bây giờ tài sản vẫn còn. Với mảnh vườn trồng bưởi Năm Roi, tôi cũng có công việc mỗi ngày là đi chăm sóc vườn tược, tới vụ thu hoạch kiếm thêm thu nhập phụ cho vợ con". 

Bà Hà Thị Kiều Vân (40 tuổi; ngụ ấp Mỹ Lợi) nén đau thương 15 năm nay sau khi chồng mất để nuôi con ăn học. Chồng bà là nạn nhân Lê Hoàng Quốc Việt bị vùi lấp dưới đóng đổ nát, đến ngày thứ 8 mới tìm thấy thi thể. Được bồi thường tiền, bà Vân nhanh trí mua miếng đất gần chợ Mỹ Hoà để buôn bán kinh doanh và mua thêm mảnh vườn trồng bưởi. Đến nay, cuộc sống gia đình bà tạm ổn, con gái đã vào đại học.

Sau khi chồng mất, bà Hà Thị Kiều Vân nhận tiền bồi thường, mua đất và buôn bán kinh doanh để nuôi con vào đại học.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình các nạn nhân sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đã tiêu xài hoang phí, có người còn bỏ xứ mà đi. Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: "Trong ấp Mỹ Hưng 1 có hộ của ông L.V.K sử dụng tiền không đúng mục đích. Ông K. có 3 người con bị tại nạn trong sự cố, 1 người may mắn thoát chết, 2 người tử vong, được bồi thường hơn 1 tỉ đồng nhưng hiện nay cũng trắng tay". Nhiều gia đình nạn nhân khi có tiền hỗ trợ thì không lo làm ăn mà lại mua sắm quần áo, điện thoại di động… Thêm nữa, thấy một số phụ nữ vừa mất chồng lại có tiền nên nhiều ông tìm cách "nhào" vô. Hoặc có thân nhân khi nhận được số tiền lớn thì sa đà vào chơi số đề, khi hết tiền, nợ nần phải bỏ đi xứ khác làm ăn.

Người mất cũng đã an nghỉ. Giờ đây hễ ai tưởng nhớ họ có thể đến chùa Bồ Đề, nằm dưới chân cầu Cần Thơ, nơi có bia tưởng niệm 55 nạn nhân, để thắp nén hương cho người đã khuất. 

Để có một cây cầu Cần Thơ "huyết mạch" của vùng ĐBSCL như hiện nay không chỉ là tiền bạc, công sức mà có cả xương máu của thế hệ nhiều người đã nằm xuống.

                                                                                                 Hằng ngày vẫn có nhiều người vào chùa Bồ Đề thắp nhang tưởng niệm 55 nạn nhân

 

Sự kiện: 24h vạn dặm
Thứ Hai, ngày 26/09/2022 16:00 PM (GMT+7)
Theo Ca Linh - Ngọc Trinh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN