14.000 điện thoại bị nghe lén: Thô bạo xâm phạm đời tư
“Trong 40 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên tôi thấy thông tin 14.000 thuê bao bị nghe lén, trong đó chủ yếu theo dõi đời tư lớn như vậy”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật, đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an TP. Hà Nội) phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội), đã sử dụng phần mềm để theo dõi qua điện thoại. Qua phần mềm, doanh nghiệp này có thể truy cập thông tin của rất nhiều người: ghi âm, nghe lén điện thoại, định vị, quay phim, chụp ảnh, xem tin nhắn, kiểm soát cuộc gọi,...
Qua điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết, trong vụ 14.000 thuê bao bị nghe lén, phần lớn nội dung liên quan đến đời tư cá nhân.
Không ai được quyền tiết lộ đời tư
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Tiến cho biết, theo Bộ Luật dân sự quy định, không ai được quyền tiết lộ bí mật thông tin đời tư và có hành vi nghe lén bí mật cá nhân. Pháp luật không cho phép một cơ quan hay người nào nào có quyền nghe lén, lấy thông tin cá nhân, trừ những trường hợp đặc biệt, có quy định riêng.
“Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải bảo đảm bí mật thông tin của 14.000 thuê bao bị nghe lén và không thể công bố rộng rãi. Cơ quan công an chỉ được phép cung cấp một số thông tin trong hồ sơ để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo”, Luật sư Tiến nói.
Theo ông Tiến, vợ hoặc chồng dù có quan hệ khăng khít với nhau nhưng không vì thế được quyền nghe lén điện thoại. Nếu có ý đồ theo dõi, gây tổn hại cho người vợ hoặc chồng sẽ bị xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị truy tố hình sự.
Nhiều thiết bị nghe lén cuộc gọi điện thoại được chào bán trên Internet tại Việt Nam.
Ông Tiến cho biết, trong 40 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên chứng kiến vụ nghe lén điện thoại chủ yếu là đời tư lớn như vậy. Ông Tiến đánh giá vụ án này đặc biệt nghiêm trọng vì số lượng thuê bao lên tới 14.000. Con số này thể hiện hành động nghe lén là công khai, trắng trợn.
“Đây là một vụ án hình sự có liên quan đến đời tư rất nghiêm trọng và lớn nhất ở Việt Nam. Từ trước đến nay, những vụ án đơn lẻ vẫn có nhưng không trở thành vấn đề xã hội ầm ĩ”, ông Tiến nói.
Ông Tiến khẳng định, luật pháp quy định việc nghe lén điện thoại là sai. Ai cũng được pháp luật bảo vệ và có quyền đảm bảo nhu cầu thông tin. Chỉ cần có bằng chứng nghe lén bị tố giác đã bị xử phạt hành chính. Không cần kiện cáo gì, làm đơn gửi đến cơ quan công an phường đã có thể xử lý.
Đối với những trường hợp cố tình cài đặt và đưa ra bằng chứng nghe lén để khẳng định ngoại tình, Tòa cũng không công nhận những bằng chứng đó.
Người nghe lén điện thoại thiếu kỹ năng sống
Theo chuyên gia Tâm lý Nguyễn An Chất, những người biết được mình đang bị theo dõi sẽ rất coi thường bởi vì thiếu lòng tin ở người khác nên mới phải làm những việc làm trái pháp luật. Vợ, chồng phải phải có lòng tin ở nhau. Tất nhiên trong cuộc sống phải có những kiểm tra chứ không phải bằng việc làm nghe lén thông tin qua điện thoại, đi tìm bí mật của nhau để cưỡng ép, khống chế.
Ông Chất cho biết, theo dõi đời tư của nhau sẽ làm mọi người bất an. Bởi ai cũng có quyền riêng tư, ai cũng có bí ẩn của mình. Có người bí ẩn theo tính chất tội lỗi, có người bí ẩn chốc lát để hưởng cái gì đó. Do vậy, cái riêng tư được người khác biết là cực kỳ nguy hiểm.
Khi gia đình nhận được thông tin bí ẩn đó, rõ ràng có sự nghi kỵ nhau, mất lòng tin làm con người sống ở trạng thái nghi ngờ, theo dõi nhau rồi tìm cách đối phó.
“Hành động nghe lén điện thoại không những làm 14.000 người bất an mà khiến số người mất an toàn lên cấp số nhân”, ông Chất nói.
Theo ông Chất, nghe lén điện thoại, chủ yếu theo dõi đời tư, trong đó vợ chồng theo dõi nhau có nhiều thứ nhưng cái chính là yếu tố tình cảm, sau đó yếu tố kinh tế. Đặc biệt ở lĩnh vực tình cảm, vợ chồng có quan hệ ngoài luồng khiến vợ chồng mất lòng tin ở nhau, luôn sống đối phó chứ không phải vun đắp, xây dựng. Trong cuộc sống luôn mất thăng bằng, phải có những chia sẻ và sự cảm thông, lúc nào cũng đố kỵ, nó như sự theo dõi rình rập, luôn nghĩ cách đối phó với người thân của mình.
Ông Chất khuyến cáo, vợ chồng không nên nghe lén điện thoại của nhau. Những người nghe lén điện thoại thiếu kỹ năng sống. Đưa bằng chứng ra thì “xấu chàng hổ ai?”. Bằng chứng chỉ là dầu đổ vào lửa. Đó không phải là công cụ để giúp người kia trở về tốt đẹp.
“Theo dõi bí mật thấy được quả tang, thấy được sai trái để người kia đi rêu rao tranh cãi là không nên. Khi phát hiện nghe lén, đối với nữ giới mang tính chất sợ sệt, có những bực dọc nhất định còn nam giới cho rằng đó là sự xúc phạm, vi phạm vào quyền riêng tư. Ai có ý định theo dõi hãy từ bỏ và biến cái đó bằng sự quan tâm, họ sẽ bỏ cái thiếu sót để trở lại yên bình”, ông Chất chia sẻ.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện một doanh nghiệp hoạt động mua bán, cài đặt phần mềm nghe lén, theo dõi qua điện thoại trái phép. Khoảng 14.000 điện thoại tại Việt Nam đã bị cài phần mềm Ptracker. Theo Công an Hà Nội, phần mềm này thực chất là một ứng dụng giúp doanh nghiệp quản lý nhân viên qua điện thoại. Theo quảng cáo của công ty Việt Hồng: "PtrackerERP là giải pháp định vị điện thoại, quản lý/hỗ trợ nhân viên,giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để bài toán quản lý và hỗ trợ nhân viên kinh doanh.. Qua đó, người quản lý có thể biết nhân viên của mình đang ở vị trí nào, di chuyển tới đâu. Ngoài ra phần mềm này giúp doanh nghiệp lập kế hoạch, báo cáo, theo dõi đơn hàng,... Để thực hiện được việc này, doanh nghiệp và nhân viên đều có sự thỏa thuận với nhau. Doanh nghiệp phải được nhân viên đồng ý cài phần mềm này vào điện thoại. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phần mềm Ptracker được sử dụng không chỉ với mục đích này. Công ty Việt Hồng đã kinh doanh phần mềm này phục vụ cho nhiều người có mục đích cá nhân như người nọ theo dõi người kia. Toàn bộ dữ liệu từ những điện thoại này được tổng hợp về máy chủ của công ty Việt Hồng. Nhân viên của công ty Việt Hồng có thể tùy ý truy cập và khai thác thông tin của họ. Hiện cơ quan điều tra đang khởi tố 4 bị can gồm: Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Hồng; Lê Thanh Lâm (1982), Trưởng phòng kỹ thuật công ty; Trần Minh Ngọc (SN 1990), Nhân viên hỗ trợ khách hàng; Nguyễn Thị Nga, nhân viên tư vấn khách hàng hỗ trợ văn phòng. |