128 trẻ chết do sởi: Bộ trưởng Tiến nhận khuyết điểm

Sự kiện: Dịch sởi

Bộ trưởng Nguyễn Thị KimTiến đã thừa nhận thiếu sót của ngành y tế qua trận dịch sởi khiến 128 trẻ tử vong.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 29/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ về những bài học kinh nghiệm của ngành y tế qua dịch sởi vừa bùng phát.

Bộ trưởng cho rằng, bài học lớn nhất và Bộ cũng đã nhận khuyết điểm đó là công tác truyền thông chưa hiệu quả. Nếu hiệu quả, người dân đi tiêm chủng với tỷ lệ cao hơn, dịch không xảy ra.

Bà nhắc lại thực trạng, hầu hết các trường hợp mắc sởi xảy ra trên trẻ không tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ. Tỷ lệ tử vong tương đối cao, tập trung ở bệnh viện nhi đầu ngành, trong đó 50% trường hợp tử vong là sống ở Hà Nội.

Tại sao tử vong cao như vậy? Theo Bộ trưởng, nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc bệnh viện đầu ngành nên nhận bệnh nhân nặng nhất của cả nước, những bệnh tử vong cao như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bại não…

128 trẻ chết do sởi: Bộ trưởng Tiến nhận khuyết điểm - 1

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 29/4

Thứ hai là phân tuyến, người dân tập trung vào Bệnh viện Nhi Trung ương rất đông. Cùng với đó, khí hậu miền Bắc đợt vừa rồi ẩm, lạnh đã tạo nên nhiễm trùng.

Bệnh sởi thông thường tử vong không cao, nhưng do có bội nhiễm, lây nhiễm chéo khiến tử vong cao. Nếu tuyên truyền tốt, bệnh nhẹ có thể điều trị ở cơ sở tuyến dưới mà không cần lên Viện Nhi Trung ương, không để dồn cục tại đây.

Bộ trưởng cho hay, Bộ đã làm việc với Tổ chức y tế thế giới nhiều lần để tìm nguyên nhân. Họ nói, cũng tương tự các nước, kể cả đã phát triển, khi mà dồn cục, chắc chắn sẽ lây nhiễm chéo, dẫn đến tử vong.

Nói đến đây, nữ Bộ trưởng cảm ơn báo chí, phương tiện truyền thông đưa các hình ảnh làm cho người dân, ngay tại TP. Hà Nội, đi tiêm rất đông. Nhờ báo chí phản ánh, Bệnh nhân không tới viện Nhi nữa, giúp Bệnh viện Nhi Trung ương có thời gian cứu chữa bệnh nhân nặng và không còn nằm ghép.

“Như vậy, nếu chúng ta truyền thông tốt, mạnh mẽ, quyết liệt, với đầu mối đưa ra thông điệp phải là Bộ Y tế, thì người dân đi tiêm cao hơn. Đó là vai trò của truyền thông”, Bộ trưởng nói.

Bà cho hay, một trong những nhiệm vụ mà ngành y tế đặt ra đầu nhiệm kỳ là tăng cường công tác truyền thông.

 “Chúng tôi cũng thành lập Vụ Truyền thông, đặt truyền thông đi trước một trước rồi mới tới dự phòng và điều trị”, bà Tiến nói.

Bà nói thêm: “Đương nhiên truyền thông để thay đổi hành vi cũng rất khó. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, nếu ngành y tế có những người làm truyền thông chuyên nghiệp hơn… sẽ tốt hơn.

“Chúng tôi nhận thức điều này, Thủ tướng nhắc lại lần nữa rút kinh nghiệm, nếu làm nữa thì đỡ rất nhiều. Chúng tôi thấy đó là điểm yếu”.

Cũng tại cuộc họp báo, PV hỏi Bộ trưởng có quy trách nhiệm, rút kinh nghiệm các bộ phận có liên quan không?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trong giai đoạn này, ngành y tế tập trung toàn bộ lực lượng bệnh viện cũng như phòng bệnh để làm sao dập tắt dịch càng sớm càng tốt như Thủ tướng đã chỉ đạo.

Bộ trưởng Tiến nói thêm: “Còn hiện nay anh em khối điều trị có lẽ cũng chịu áp lực rất lớn, làm việc ngày đêm và nếu như tình trạng vừa rồi không giảm bớt thì có nhiều điều dưỡng, bác sỹ không chịu nổi”.

“Họ dành hết tâm trí, năng lực chuyên môn để cứu chữa các cháu. Giai đoạn hiện nay chúng tôi phải động viên họ để làm sao cứu người bệnh còn những việc đó thì chúng tôi sẽ làm sau này”.

Tại buổi họp báo thường kỳ chính phủ chiều tối 29/4, PV đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Cũng là một người mẹ, đến bệnh viện nhìn thấy bệnh nhi và các bà mẹ đau đớn vì cái chết của những đứa con, bà cảm thấy thế nào? Trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao? Đã bao giờ Bộ trưởng nghĩ đến từ chức?”.

Nữ Bộ trưởng trả lời: “Về câu hỏi, bộ trưởng có nghĩ đến từ chức? Thật lòng, đến thời điểm này tôi không nghĩ đến từ chức ngay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN