11 tuổi chụp ảnh chiến tranh chấn động thế giới
Người từng là phóng viên chiến trường trẻ nhất đã giữ trong lòng mình nhiều câu chuyện đặc biệt. Bản thân ông cũng là một người rất đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968.
Tôi đã từng đinh ninh rằng khi có dịp sẽ tìm gặp ông Lỗ Mạnh Hùng (tên thật là Lỗ Bỉnh Hùng, sinh năm 1954) để trò chuyện về cuộc đời quá đặc biệt và những ký ức ông đã lưu giữ kể từ thời khắc cầm máy ảnh chụp chiến tranh cho đến khi rời đất nước. Ông được biết đến là phóng viên chiến trường nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam khi chỉ mới 11 tuổi.
Cách đây hơn ba tuần, ông cùng vợ về nước để dự đám cưới người cháu, cùng tranh thủ đi thăm nhiều địa danh ở miền Trung. Chuyến bay từ Đà Nẵng trở về TP.HCM ngày 27-1 vừa qua đã không suôn sẻ cho ông. Ông lên cơn đau tim, sau đó được chuyển đến BV 115. Tuy nhiên, ông đã không qua khỏi và mất trong ngày hôm đó.
Tuổi 11 dũng cảm và tài hoa
Năm 1968, tờ Southeast Missourian của Mỹ có đăng một bài viết về Lỗ Mạnh Hùng với tiêu đề “Một cậu bé nhiếp ảnh gia tìm kiếm hiểm nguy khi những người khác bỏ chạy”.Nhiều bức ảnh của ông được nhiều người biết đến. Nhưng sau đó gần như không ai có thông tin về cậu phóng viên ảnh này nữa.
Chúng tôi đã mất cơ hội và không còn cơ hội nào khác nghe ông kể lại. Tuy nhiên, ông đã chia sẻ những ký ức đó với người bạn đời yêu dấu: bà Vòng Cẩm Thu (55 tuổi). Bà đã chia sẻ với chúng tôi trong niềm xúc động lớn lao.
Bà Cẩm Thu cho biết bà có một cuộc sống thời niên thiếu êm đềm ở Sài Gòn. Sau đó bà gặp ông Hùng tại Mỹ, hai người thương nhau rồi thành vợ chồng. Bà ít quan tâm đến chính trị, thời cuộc trong khi ông Hùng luôn mang nặng những nỗi niềm giấu kín. Tuy vậy, những ký ức của chiến tranh quá mạnh mẽ có lẽ là một gánh nặng, một nỗi buồn da diết nên ông chọn cách sống tách rời khỏi mối liên hệ với truyền thông. Vì vậy mà gần như không ai biết về cuộc sống của ông sau năm 1975 nữa.
Những bức ảnh tư liệu sống động về hành trình tác nghiệp của phóng viên ảnh chiến trường 11 tuổi Lỗ Mạnh Hùng vào năm 1968. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp
Ông hay kể với người bạn đời về niềm đam mê chụp ảnh từ bé, bởi cha ông có một tiệm chụp ảnh, cũng có thể coi là một hãng thông tấn nhỏ xíu. Cha ông thường chụp ảnh rồi bán cho các báo. Vì vậy, ông Hùng hay theo cha học nghề và được cha chỉ dạy cẩn thận. 11 tuổi, cậu bé đã sử dụng máy ảnh rất chuyên nghiệp và chụp nhiều bức ảnh đẹp.
Nhưng ngoài niềm đam mê còn có một lý do khác mà ông Hùng hay kể cho vợ nghe, đó là ông muốn phụ cha kiếm tiền. Hùng là con trai trưởng, sau Hùng còn có bảy người em nữa. Cha ông Hùng lao động quá vất vả để nuôi một đàn con. Ông Hùng khi đó luôn cố gắng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Trong thời điểm lịch sử diễn ra cuộc Tổng tiến công năm 1968, cha ông Hùng lao ra đường, chạy theo một chiếc xe bám sát diễn biến tại Sài Gòn. Chú bé Hùng lúc đó cũng nhảy theo một chiếc xe quân sự của lực lượng Việt Nam Cộng hòa nhưng theo một hướng khác và tác nghiệp lăn xả như một phóng viên chiến trường thực thụ.
Ông Hùng kể với người bạn đời của ông rằng đã có nhiều báo đến mua ảnh của ông, trong đó có bức ảnh chiếc xe đưa những thi thể đến nơi chôn tập thể. Sự khốc liệt của chiến tranh hiện rõ qua từng tấm ảnh và hằn sâu vào ký ức của ông.
Nhưng lúc đó, nhiều báo đã mua và đăng ảnh của ông với tên của báo. Câu chuyện được nhiều người biết đến khi báo Mỹ đăng bài viết kể về cuộc tác nghiệp của ông Hùng.
Những ký ức đặc biệt chưa kịp kể
Bà Cẩm Thu chia sẻ rằng ông Hùng luôn có những nỗi niềm khắc khoải về ký ức của cuộc chiến và quê hương. Nhưng ông chọn một cuộc sống lặng lẽ ở Oregon, Mỹ. Ông vẫn làm nghề rửa ảnh, hiệu chỉnh ảnh. Bà Thu cho biết đó là một công việc không giàu có, chỉ đủ sống nhưng nó giúp ông được sống với niềm yêu thích của mình.
Ông bà có hai con gái. Con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, con gái út đang học trung học. Ông bà có một cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên. Ông bà vẫn sắp xếp bay về Việt Nam thăm anh em, họ hàng. Ông không tiếp xúc với truyền thông nhưng vẫn chia sẻ những ký ức của mình, những câu chuyện về những bức ảnh của mình với những bạn bè quan tâm. Bà Thu cố gắng chia sẻ những tâm sự với chồng nhưng bà không phải trải qua những ký ức khắc nghiệt của chiến tranh nên bà cho rằng lòng bà nhẹ nhõm hơn nhiều.
Đám tang của ông được tổ chức tại nhà riêng của chị bà Thu ở quận Tân Bình. Chị bà Thu là Trần Cẩm Lan, cho biết bà rất yêu quý ông Hùng bởi ông rất hiền lành và tốt bụng.
Ngày 30-1 này là ngày lẽ ra ông phải bước lên máy bay quay trở lại Mỹ nhưng ông đã ở lại với người thân giữa quê hương. Những ký ức nặng trĩu khắc ghi vào lòng của một chàng phóng viên nhí năm nào sẽ chỉ còn là những bức ảnh và những câu chuyện đành bỏ ngỏ.
Bị trúng đạn vẫn lăn xả chụp được bức ảnh để đời Ông kể lại rằng ông nhảy lên xe đi chụp ảnh, rồi theo máy bay đến nhiều điểm khác nhau. Ông đã bị trúng đạn vào tay nhưng đã chụp được rất nhiều ảnh đặc biệt. Ông nhớ tới những chiếc xe chở đầy người chết… Lúc đó, ông còn nhỏ quá… Bà VÒNG CẨM THU |
“Biết mang mật thư băng qua vùng địch thì mình có thể bị bắn chết nhưng để tiểu đoàn chủ lực an toàn thì mình có...