106 cây xanh đường Kim Mã bị bỏ rơi: Trồng lại cây cổ thụ có khả thi?
Theo các chuyên gia, những cây cổ thụ được đánh chuyển từ đường Kim Mã về vườn ươm ở Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) sẽ bị tổn thương thêm lần nữa nếu đem đi trồng ở nơi khác.
Hàng cây xà cừ trên đường Kim Mã được đánh chuyển về vườn ươm ở Đa Tốn.
Tháng 10/2016, Công ty Beepro đã ký hợp đồng với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thực hiện việc di dời 106 cây xanh trên đường Kim Mã để phục vụ dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Hàng cây được đánh chuyển về một vườn ươm ở Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và được các công nhân chăm sóc chu đáo. Sau khoảng 2 tháng, các cây đâm chồi, nảy lộc. Tuy nhiên, sau đó, hàng cây bị bỏ mặc cho khô hạn. Hiện đã không dưới 30 cây bị chết khô.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, họ cùng Công ty Beepro đã tuân thủ hợp đồng ký kết, thực hiện đúng theo phương án đã được phê duyệt. Sau khi hết hạn hợp đồng, việc dịch chuyển cây từ vườn ươm đến các địa điểm trồng tiếp theo thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Tại các cuộc họp với Công ty Beepro, MRB vẫn đề nghị và nhiều lần có văn bản đốc thúc, yêu cầu Beepro tiếp tục chăm sóc cây xanh, đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất cho đến khi Thành phố có hướng dẫn cụ thể về địa điểm trồng cây. Tuy nhiên, đã nhiều tháng qua, hàng cây chẳng còn được ai đoái hoài đến.
Một số cây đã chết sau khi đánh chuyển.
Một số ý kiến cho rằng, việc di dời và trồng lại những cây xanh ít năm tuổi, đường kính nhỏ thì dễ. Còn trồng lại những cây xà cừ cổ thụ, nhất là đã bị chặt rễ một lần để đánh chuyển sẽ mang lại nhiều rủi ro?
Về vấn đề này, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường – Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, người đã có hàng chục năm đồng hành cùng công ty công viên cây xanh Hà Nội đồng tình với ý kiến sẽ có nhiều rủi ro.
Ông Cường cho hay, ngay từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện đánh chuyển các cây từ đường Kim Mã về vườn ươm ở Đa Tốn (Gia Lâm) ông đã được mời đến tham dự. Ông nhận thấy việc đánh chuyển để giữ lại hàng cây là việc làm tốt, mục đích bảo vệ môi trường, tuy nhiên xét về kinh tế thì không khả thi.
“Nhiều cây có tuổi đời lên đến 60 năm, đường kính cây khoảng 1 mét nên rễ đã thực sự phát triển hoàn thiện, trưởng thành, ăn sâu vào đất. Vì thế, sau khi đánh chuyển dù được chăm sóc, trồng lại ở chỗ mới, cây xanh lâu năm vẫn chỉ sống oặt ẹo mà thôi. Cây xanh khi bị chặt đi rễ cọc, rễ chùm… thì mất sức sống, dù chúng ta dùng công nghệ hiện đại đến mấy thì cây vẫn khó “hồi” lại như cũ.
Hơn nữa, việc đánh chuyển cây rất tốn kém, sau lại tốn công chăm sóc ở vườn ươm. Cây cũng không thể để ở vườn ươm mãi được, lại phải đánh chuyển một lần nữa để trồng ở nơi mới… chi phí đến cả trăm triệu đồng mà việc cây sống hay chết có nhiều rủi ro. Rõ ràng như vậy là không kinh tế”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, giải pháp hiện tại là những cây đường kính dưới 30cm thì giữ lại chăm sóc, còn những cây cổ thụ to hơn, thay vì bỏ ra số tiền tốn kém để đánh chuyển thì nên bán gỗ lấy tiền, chi cho việc tái tạo một hàng cây mới, ở một khu vực mới sẽ hợp lý hơn.
Còn nếu có đánh chuyển, trồng lại thì không được trồng ở vỉa hè, đường phố. Thay vào đó, ông Cường khuyến cáo nên trồng lại ở công viên hoặc một khu vực đất trống, được chằng chống cẩn thận.
Đồng quan điểm với ông Cường, một chuyên gia của Viện kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp) cho biết thêm, việc trồng lại các cây xanh đánh chuyển từ đường Kim Mã là rất tốt.
Tuy nhiên, đối với những cây to, già, sức khỏe đã kém nên tỉ lệ sống khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đánh chuyển một lần nữa làm cho cây càng yếu đi.
“Quan điểm của tôi là những cây to, đã già thì nên thanh lý. Những cây nhỏ, tuổi đời ít thì trồng lại. Còn nếu vẫn đánh chuyển để trồng lại thì những cây to không được trồng ở đường phố vì rất nguy hiểm, tốt nhất là đưa vào trồng ở công viên”, vị chuyên gia chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
106 cây xanh đánh chuyển từ đường Kim Mã sang vườn ươm Đa Tốn bị bỏ mặc, không chăm sóc trong khi đơn vị đánh chuyển...