10.000 tỉ chống ngập cho 6,5 triệu dân Sài Gòn
Đã có nhiều công trình chống ngập được đưa vào sử dụng nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Dự án 10.000 tỉ chống ngập tới đây sẽ ra sao?
Ngập đang là bài toán khó giải của TP HCM - Ảnh: GIA MINH
Sáng 3-6, UBND TP HCM đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), với tổng mức đầu tư 9.926 tỉ đồng.
Xóa ngập khu trung tâm (!)
Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh khẳng định ngay sau khi ký kết, nhà đầu tư sẽ triển khai ký hợp đồng tư vấn thiết kế, giám sát, hợp đồng tín dụng nhằm thi công dự án trong tháng 6 này. Theo đó, để bảo đảm mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động điều tiết nước, dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài. Bao gồm các hạng mục ở địa bàn quận 1, 4, 7, 8 và 2 huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích sử dụng đất hơn 100 ha.
Cụ thể, 6 cống kiểm soát triều được gấp rút triển khai xây dựng tại Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định quy mô cống rộng từ 40 đến 160 m, với chiều cao thành cống 3,6-10 m (âm bên dưới). Bên cạnh đó, dự án xây dựng 3 trạm bơm tại cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Định và bảo đảm tàu thuyền vẫn qua lại an toàn khi đưa dự án vào hoạt động. Tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh với chiều dài 7,8 km và thiết kế cống từ Vàm Thuật đến Mương Chuối (Nhà Bè). Ngoài ra, dự án cũng xây dựng nhà quản lý trung tâm toàn dự án và hệ thống SCADA (theo dõi kiểm soát mực nước triều hệ thống tự động).
Theo nội dung ký kết, UBND TP HCM sẽ thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền. “Dự án hoàn thành sau 3 năm thi công, mục tiêu là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực” - ông Thịnh thông tin.
Một cán bộ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho rằng việc triển khai dự án này là vô cùng cấp thiết. Hiện tại, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến nguy cơ ngập úng tại TP HCM sẽ ngày càng tăng. Từ năm 2013, đỉnh triều cường tại Phú An đã đạt mức lịch sử 1,68 m, từ năm 2011 đến 2015 đã xuất hiện 79 lần đỉnh triều cao trên 1,5 m, trong khi 63,5% diện tích thành phố có cao độ dưới 1,5 m nên tần suất ngập úng do triều cường đang tăng nhanh.
Đồng bộ mới có hiệu quả
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), cho biết dự án mà Trung Nam Group chuẩn bị triển khai chính là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các chuyên gia Hà Lan nghiên cứu và hoàn thành năm 2012-2013 nhưng chưa có tiền để thực hiện.
Cụ thể, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra Đề án 1547 năm 2008 thì nhiều đơn vị chưa đồng thuận nên bộ này đã mời chuyên gia Hà Lan sang phối hợp và lập nên một dự án nhận được sự đồng thuận cao nhất, dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 10.000 tỉ đồng.
Nhận xét về kỳ vọng kiểm soát ngập do triều cho một vùng diện tích 570 km2 mà dự án đưa ra, TS Phi cho rằng về quy mô thì đúng theo hướng kiểm soát triều. Tuy nhiên, chống ngập ở TP phải xét đến 2 yếu tố là mưa và triều (triều chỉ gây ngập 1-2 tháng/năm) nên dự án do Trung Nam thực hiện chỉ mang tính chất hỗ trợ. Ngoài ra, hiện nay hệ thống đê bao bán kiên cố của TP cũng đã hoàn chỉnh khoảng 2/3 dọc các con sông, kênh nên đã ngăn triều được một phần. Khi đã kiểm soát được triều bên ngoài thì TP cần phải đầu tư cống thoát nước bên trong để nâng cao năng lực tiêu thoát nước khi mưa. Tuy nhiên, số tiền đầu tư để xây dựng hệ thống cống thoát nước rất tốn kém, khoảng 2 tỉ đồng/ha. “Do đó, để giảm ngập đến mức tối đa cho TP HCM thì các dự án cần phải được triển khai đồng bộ. Làm cái này, không làm cái kia thì cái đã làm dù có tốt đến mấy cũng khó phát huy hiệu quả” - ông Phi nhìn nhận.
Do đó, theo ông Phi, sau khi hoàn thành hệ thống đê bao và các cống ngăn triều trên thì bên trong nội đô TP phải tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nạo vét kênh rạch, nâng cao đường trũng cục bộ, xây dựng hồ điều tiết mới, hy vọng giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay.
Một lãnh đạo trung tâm chống ngập cũng thừa nhận: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) phải kết hợp với 4 dự án thuộc quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020, mới có thể giải quyết được ngập cho một khu vực rộng 570 km2 và 6,5 triệu dân.
Đặc biệt, đối với khu trung tâm thành phố, ngoài xây 6 cống kiểm soát triều, để xóa triệt để 31 điểm ngập hiện nay, trong năm 2016, trung tâm này sẽ tiếp tục xây 2 cống ngăn triều lớn còn lại là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên.
Gấp rút thực hiện 4 dự án chống ngập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cho hay đơn vị này đang gấp rút đẩy nhanh thực hiện 4 dự án thuộc quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020. Bốn dự án gồm: Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, trong đó nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên với chiều dài 32 km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500 ha. Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2 km giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 703 ha. Đầu tư xây dựng và cải tạo các tuyến cống thoát nước, bổ sung khoảng 200 km cống các loạt để đấu nối đồng bộ thoát nước theo lưu vực. Xây dựng 3 hồ điều tiết: Gò Dưa rộng 23 ha (quận Thủ Đức), Bàu Cát rộng 0,4 ha (quận Tân Bình) và Khánh Hội rộng 4,8 ha (quận 4). |