1000 tỷ "giằng co": Nhùng nhằng tiền gửi
Hiện số tài sản tranh chấp vẫn nằm tại Sacombank và sẽ được ngân hàng này xử lý theo đúng trình tự pháp luật.
Liên quan đến vụ tranh chấp tài sản 1.000 tỉ đồng, ngày 3/6, ông T.V.P (em bà T.K.P, người chết bất đắc kỳ tử để lại khối tài sản tranh chấp nói trên) cho biết Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa gửi văn bản chính thức thanh lý hợp đồng thuê két sắt để giữ số tài sản tranh chấp kể từ ngày 30/5/2011. Theo một nguồn tin, hiện số tài sản này vẫn nằm tại Sacombank và sẽ được xử lý theo đúng trình tự pháp luật.
Nhùng nhằng thời gian thuê giữ tài sản
Trước đó, chiều 30/5, đại diện Sacombank đã tổ chức cuộc họp giải quyết việc chấm dứt hợp đồng thuê ngăn tủ sắt với chị T.H.H.L và ông T.V.P có sự chứng kiến của hai người cùng cố vấn pháp lý cho hai bên và Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh-TPHCM.
Tại cuộc họp, ông P. nêu rõ ông đã cho chị L. biết ý kiến của gia tộc về việc xử lý số tài sản do bà P. để lại. Theo đó, ông muốn tiếp tục thuê ngăn tủ sắt của Sacombank để tạm giữ tài sản đến ngày xả tang bà P., sau đó sẽ thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt và khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Hơn nữa, tài sản của bà P. trước đây có công sức và tài sản góp vào của gia đình ông. Nay việc chị L. chấm dứt hợp đồng thuê ngăn tủ sắt là quá gấp rút.
Một kho xưởng do bà T.K.P để lại
Trái ngược với quan điểm của ông P., chị L. không đồng ý việc tiếp tục thuê ngăn tủ sắt tại ngân hàng và muốn thanh lý hợp đồng. Trước đây, ông P. và gia tộc đã cam kết chỉ thuê tủ sắt để gửi tài sản 30 ngày. Sau 30 ngày, nếu ông P. và gia tộc không thể xuất trình được di chúc hay tài liệu hợp pháp chứng minh tài sản thuộc về mình thì phải trao toàn bộ tài sản cho chị L. Sau đó, ông P. đã không xuất trình được giấy tờ cần thiết và nhiều lần kéo dài thời gian không giao lại tài sản cho chị L.
Ông P. có quyền khởi kiện ra tòa
Trước ý kiến của hai bên, đại diện Sacombank cho rằng họ có thể tự thỏa thuận để đi đến phương án chung vì ngân hàng không muốn can thiệp vào việc tranh chấp tài sản của các bên. Ngoài ra, về việc ông P. yêu cầu ấn định thời gian để gia hạn hợp đồng, ngân hàng không có cơ sở tự ấn định thời gian tốt nhất để kéo dài hợp đồng nếu hai bên không thể thống nhất.
Trong trường hợp này, nếu các bên không thể thống nhất được ý kiến, ngân hàng buộc phải chấm dứt hợp đồng và trả lại tài sản gửi giữ cho bên đồng ý thanh lý hợp đồng. Nếu cả hai bên không nhận, ngân hàng sẽ giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo quản tài sản. Đồng thời, ngân hàng cũng yêu cầu ông P. khẳng định thời gian kéo dài hợp đồng là bao lâu để chị L. cân nhắc và thống nhất.
Theo giải thích của người cố vấn pháp lý cho ông P., nguyện vọng của ông là gia hạn thời gian gửi ngăn tủ sắt tại ngân hàng. Sau thời gian gia hạn, ông cam kết chấm dứt hợp đồng và gửi lại tài sản cho chị L. Thời gian gia hạn hợp đồng là 2 tháng. Tuy nhiên, người cố vấn pháp lý của chị L. cho rằng chị là con nuôi duy nhất của bà T.K.P và cũng là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Căn cứ theo Luật Dân sự, bà P. chết không để lại di chúc, do đó chị L. là người thừa kế duy nhất đối với tài sản mà bà P. để lại.
Hơn nữa, ông P. và gia tộc đã cam kết trong vòng 30 ngày kể từ ngày 24/3/2012, các bên phải có mặt để mở két sắt tại Sacombank và giao toàn bộ tài sản cho chị L. để nhận thừa kế, nếu bên còn lại không xuất trình được di chúc hay tài liệu hợp pháp chứng minh được tài sản thuộc về mình. Nay, ông P. và gia tộc lại tìm cách kéo dài hợp đồng. Chị L. còn có cuộc sống riêng và công việc học tập, nếu ông P. muốn giải quyết tranh chấp thì hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án, chị L. sẽ tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ đạo đức khi đã giải quyết xong tranh chấp.
Chị L. được phép nhận toàn bộ tài sản? Nội dung văn bản Sacombank gửi cho các bên nêu 2 lý do chấm dứt hợp đồng thuê két sắt. Thứ nhất, thời hạn thuê là 12 tháng đã hết và các bên có ý kiến khác nhau về việc gia hạn hợp đồng. Thứ hai, ông P. đã từ chối đề nghị của ngân hàng về việc cùng với chị L. ký tiếp một hợp đồng mới gửi tiếp vào két sắt ngân hàng thêm 30 ngày với điều kiện: Trong vòng 30 ngày, nếu ông P. không đưa ra được bất kỳ di chúc, văn bản, giấy tờ hợp pháp nào chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản hoặc bất kỳ quyết định nào của tòa án hoặc cơ quan nào khác có thẩm quyền thì chị L. được phép rút toàn bộ tài sản ra khỏi két sắt ngân hàng. |