10 phát ngôn “gây sốc” của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
"Nếu không ai sợ tôi, tôi chẳng có nghĩa lý gì cả” - Lý Quang Diệu.
Từ những vấn đề lịch sử như sự chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1942 cho tới các vấn đề chính trị như trưng cầu dân ý, luật pháp, trật tự hay cả khi bàn đến cái chết, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu luôn là người thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ.
Sau đây là tổng hợp những phát ngôn bất hủ của ông Lý Quang Diệu trên các lĩnh vực khác nhau.
1. Về việc Nhật Bản đánh bại thực dân Anh và chiếm đóng Singapore vào năm 1942:
“Những thời kỳ đen tối đã từng bao phủ Singapore... Nhưng khi nhìn lại, tôi cho đó là môi trường giáo dục chính trị lớn nhất của đời tôi, vì trong suốt 3 năm rưỡi Nhật chiếm đóng, tôi đã nhìn thấy ý nghĩa của quyền lực và cách thức quyền lực, chính trị cùng chính phủ đi cùng nhau”.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu hồi trẻ
2. Về Thế Chiến 2, khi Anh tìm cách tiếp tục kiểm soát Singapore:
“Những cơ chế cũ thới quen cũ và cả sự tôn trọng cũ dành cho nước Anh đã biến mất, vì chúng tôi đã chứng kiến cảnh người Anh bỏ chạy trước người Nhật. Chúng tôi đã hoảng sợ khi nhìn thấy bom trút xuống, nhưng chúng tôi phát hiện ra họ còn sợ hãi hơn cả chúng tôi. Thế nên mối quan hệ cũ với nước Anh đã không còn nữa”.
3. Phát biểu với tư cách là một sinh viên Luật ở Cambridge, Anh:
“Ở Singapore, bạn không thường xuyên gặp người da trắng đến thế. Ở đó, họ là những người siêu hạng. Nhưng khi đến Anh, những người da trắng trong các cửa hàng cũng phải phục vụ bạn. Và tôi không thấy có lý do gì để người da trắng có thể cai trị chúng tôi, họ không phải là siêu hạng. Tôi quyết định rằng khi trở về, tôi phải chấm dứt điều này”.
4. Về thăm dò ý kiến và trưng cầu dân ý:
“Tôi chưa bao giờ quá quan ngại hay ám ảnh về các cuộc trưng cầu dân ý và thăm dò ý kiến. Nếu bạn cứ phải quan tâm đến việc trồi sụt của tỉ lệ ủng hộ thì bạn không phải là một nhà lãnh đạo đích thực. Họ chỉ đón lấy ngọn gió, và đi bất cứ nơi đâu ngọn gió thổi tới. Tôi không phải loại người lãnh đạo như vậy”.
Ông Lý Quang Diệu trong chiến dịch tranh cử vào năm 1958
“Giữa được yêu và bị sợ, tôi luôn tin rằng Machiavelli (một nhà triết học chính trị người Ý – PV) đã đúng. Nếu không ai sợ tôi, tôi chẳng có nghĩa lý gì cả”.
“Khi thăm dò ý kiến ai đó, bạn biết họ muốn gì không? Không phải là quyền viết một bài báo như bạn thích, mà họ muốn nhà cửa, thuốc men, nghề nghiệp, trường học”.
5. Về cách ứng xử của các công chức:
Đừng bao giờ nói “không” thành “có”. Đừng trở thành kẻ ngốc. Nếu có lý do thích đáng để nói “không”, các bạn phải nói “không”, nhưng phải nói điều đó một cách lịch thiệp.
6. Về cách cai trị kiểu “bàn tay sắt” của chính phủ:
“Bất cứ ai muốn thách thức tôi, thì hãy mang theo quả đấm sắt. Nếu bạn nghĩ bạn có thể làm tôi đau hơn bạn, xin cứ thử. Không còn cách nào khác để cai trị một xã hội gồm toàn người Hoa như thế này”.
Người dân Singapore biểu tình phản đối Đạo luật An ninh Nội địa
“Nếu bạn là kẻ chuyên gây rắc rối, nhiệm vụ của chúng tôi là hủy hoại bạn về chính trị. Mọi người đều biết rằng trong túi tôi có một chiếc rìu rất sắc. Bạn đấu với tôi, tôi sẽ lôi chiếc rìu ra, và chúng ta hẹn nhau trong hẻm cụt”.
“Tôi thường bị cáo buộc can thiệp quá nhiều vào đời tư của công dân. Đúng, vì nếu tôi không làm vậy, chúng ta sẽ không có được vị thế như ngày nay”.
7. Về chính sách làm mối cho các cử nhân để tạo ra những em bé thông minh:
“Nếu không đưa các nữ cử nhân vào chương trình sinh sản mà để họ ế chồng, bạn sẽ khiến xã hội ngày càng ngu đần hơn. Trong thế hệ tiếp theo sẽ ngày càng ít người khôn nuôi những kẻ ngu, và đó chính là vấn đề”.
8. Về mức lương cao cho các công chức và bộ trưởng trong nội các:
“Các bạn biết đấy, việc trả lương cao cho các công chức là liều thuốc tốt để chữa trị cho một chính phủ kém tài. Nếu không làm vậy, bạn sẽ không bao giờ gắn kết được đất nước Singapore, khi giá trị tài sản của bạn gặp nguy, chế độ an sinh xã hội của bạn không được đảm bảo, và vợ của bạn phải đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài”.
Ông Lý Quang Diệu và người vợ Kwa Geok Choo năm 1965
9. Về người vợ Kwa Geok Choo qua đời năm 2010:
“Không có bà ấy, tôi trở thành một người khác, với một cuộc sống khác. Đáng lẽ tôi phải cảm thấy được an ủi vì bà ấy đã sống 89 năm đáng sống. Nhưng vào giờ phút vĩnh biệt này, trái tim tôi lại trĩu nặng buồn đau”.
10. Về cái chết:
“Cái gì cũng có kết thúc, và tôi muốn kết thúc của mình đến càng nhanh và càng ít đau đớn càng tốt, không phải là lúc tôi nằm liệt giường với một chiếc ống luồn từ mũi xuống dạ dày”.
“Dù ở trên giường bệnh, hay lúc các bạn hạ tôi xuống huyệt mà tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn, tôi sẽ lại bật dậy”.