10 nguyên liệu trong ổ bánh mì Phượng được lấy từ đâu?
Có 10 nguyên liệu, thực phẩm để làm ra ổ bánh mì Phượng đưa đến tay người dùng, trong đó có nhiều nguyên liệu do chủ cơ sở mua về rồi tự chế biến.
Ngày 15-9, bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện tại vẫn còn nhiều bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang nằm điều trị tại các cơ sở y tế, đa số sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng đang được điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Đức
Theo xác nhận của một số cơ sở y tế đang điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, ngày hôm qua (14-9), đại diện tiệm bánh mì Phượng đã đến các cơ sở y tế xin phép vào thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị, đúng như thông tin mà gia đình chủ tiệm bánh mì Phượng chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động. Tuy nhiên, về số người bệnh đã được thăm hỏi và hỗ trợ chi phí điều trị, chúng tôi đã cố gắng liên hệ nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ sở bánh mì Phượng.
Theo ông Mai Văn Mười, ngày 13-9, cơ quan chức năng đã lấy các mẫu lưu của cơ sở và mẫu có liên quan gửi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, dự kiến từ 7-10 ngày sẽ có kết quả. Tiệm bánh mì Phượng cũng đã bị tạm đình chỉ hoạt động từ ngày 13-9.
Theo kết quả xác minh từ đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam lập và tiến hành hôm 13-9, qua khai báo của chủ cơ sở, có tất cả 10 nguyên liệu, thực phẩm dùng để chế biến ra ổ bánh mì Phượng đến tay thực khách. Trong đó, pa tê do cơ sở tự chế biến, một số nguyên liệu do tiệm bánh mì Phượng mua về rồi tự chế biến, một số mua về đưa vào bánh mì dùng trực tiếp.
Cụ thể, bánh mì được mua tại cơ sở bánh mì 304 Phan Châu Trinh, TP Hội An của bà V.T.T. là chủ cơ sở; thịt xíu và xíu mại được cơ sở bánh mì Phượng tự chế biến sau khi mua thịt heo của bà L., chợ Hội An.
Dự kiến từ 7-10 ngày mới có kết quả kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân ngộ độc
Pa tê do cơ sở bánh mì Phượng tự chế biến; rau răm, rau húng, hành mua của bà V.H. - chợ Hội An. Sốt trứng gà tươi (trứng gà, dầu ăn) do cơ sở tự chế biến từ trứng gà mua của bà Ng. – chợ Hội An; dưa leo và xà lách mua của ông Th. - chợ Hội An.
Quả đu đủ tươi được mua của ông Th. - chợ Hội An về cơ sở tự chế biến thành đu đủ chua. Chả heo mua tại cơ sở của bà Đ.T.Th., địa chỉ 282 Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong, TP Hội An.
Tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Phượng chỉ lưu giữ hợp đồng cung cấp thực phẩm với các hộ Đ.T.Th., V.T.T., P.T.L. Các cơ sở cung cấp khác không có hợp đồng, không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ khoảng 8 giờ sáng 11-9, một số người dân, du khách có ăn bánh mì (pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm bánh mì Phượng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Nhiều bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị.
Tính đến chiều 14-9, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có 141 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại. Trong số 141 người có 33 người nước ngoài (quốc tịch Úc, Anh, Nhật, Chile), một người Việt quốc tịch Đức.
Đại diện tiệm bánh mì Phượng cho biết từ sáng 14-9, gia đình đã liên hệ với các bệnh viện trên cơ sở danh sách cập nhật từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để gặp gỡ thăm hỏi, hỗ trợ chi phí cho những người đang nằm viện do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tính đến chiều 14-9, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ít nhất 141 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng, trong đó có 33 người nước ngoài.