10 năm tù oan, 3 lần tìm cái chết
Sau 10 năm bị giam giữ, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được trả tự do. Đoàn tụ cùng gia đình, nhưng ông Chấn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những tháng ngày khổ cực trong tù.
Tự sát bất thành
Suốt 10 năm trong tù, ông Chấn đếm từng ngày trong nỗi tủi nhục, chán nản. Nhiều lần, ông đã tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân.
Ông Chấn nhớ, năm 2004, ông bị chuyển lên trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, bắt đầu sống kiếp tù nhân. Lúc này, ông nghĩ, vậy là mình đã thành tên tội phạm trong con mắt của xã hội. Rồi ông thấy hụt hẫng, chơi vơi.
Vào một đêm mùa đông năm đó, khi những bạn tù cùng phòng đã chìm vào giấc ngủ, ông Chấn vẫn không thể chợp mắt. Ông tuyệt vọng, rồi ông nghĩ đến cái chết. Chỉ có cái chết mới xóa sạch mọi nỗi cay đắng, uất ức trong lòng ông. Ông liền ngồi dậy. Trong bóng tối lờ mờ của phòng giam, ông mò mẫm rút sợi dây dù ở quần soóc ra rồi từ từ vòng sợi dây quấn lên cổ mình và luồn chiếc bàn chải đánh răng vào giữa. Ông Chấn nhắm mắt, nín thở và bắt đầu xoay chiếc bàn chải xoắn chặt sợi dây.
Lúc đang siết chặt sợi dây vào cổ, ông thấy có bàn tay ai đó giữ lại, một vài người hô lên. Những người bạn tù vội lao vào tháo sợi dây ở cổ ông ra.
"Họ khuyên tôi phải tiếp tục sống. Lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ thêm được điều gì nhưng biết rằng mình chưa chết được.”, ông Chấn nói.
Sau đó, ông Chấn tiếp tục sống những tháng ngày u uất trong tù. Hai lần kế sau, ông đã đập đầu vào tường nhưng đều bị mọi người phát hiện ngăn cản.
Ông chấn an ủi động viên vợ sau 10 năm xa cách
Một thời gian sau, ông Chấn đã quen dần cảm giác trong trại giam. Ông nghĩ về người vợ và 4 đứa con ở nhà. "Nếu mình chết, tiếng xấu vẫn không giải được. Mình phải sống để kêu oan.", ông Chấn nghĩ, rồi ông bỏ ý định tự tử.
Lúc rảnh rỗi, ông Chấn lại viết đơn kêu oan gửi quản giáo trại giam và những phạm nhân ra tù. Năm này qua năm khác, số đơn ông Chấn viết kêu oan lên đến hàng trăm lá, nhưng vẫn không thấy các cơ quan chức năng hồi âm. Ông Chấn vẫn không nản lòng, tiếp tục viết đơn kêu oan. Những lúc viết đơn ông đều phải giấu giếm bởi sợ cán bộ ở trại giam biết được lại tịch thu.
Có thời gian, ông viết đơn nhiều đến mức, một số phạm nhân khác trong trại giam trên đường đi lao động còn nhặt được.
"Nhiều lần họ bàn tán xôn xao: Ông Chấn là ai mà viết nhiều đơn vậy?”, ông Chấn kể lại.
Ông Chấn luôn chuẩn bị sẵn đơn kêu oan. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lễ đặc xá, ông lại chờ cuối buổi, cố lên gặp cán bộ chị huy đưa đơn cho họ.
“Tôi không biết tên cán bộ đó nhưng vẫn cứ gửi với hy vọng sẽ được được minh oan”, ông Chấn nói.
Bên trong căn nhà cấp 4 lụp xụp của ông Chấn chỉ có duy nhất chiếc ti vi là đáng giá.
Nhà cửa xác xơ
Đêm đầu tiên trở về nhà sau 10 năm tù giam, hai vợ chồng ông Chấn nghẹn ngào không nói lên lời, chỉ biết ôm nhau khóc. 10 năm xa cách, nay trở về, ông cảm thấy vừa thân thuộc, vừa lạ lẫm. Rồi bà Chiến kể cho ông nghe về những gian khổ trong 10 năm kêu oan, chuyện vợ và con ông đã phải chịu những tủi nhục, khinh bỉ của xóm làng. Ông Chấn nghe mà lòng quặn thắt, không biết nói gì.
Căn nhà cấp 4 lụp xụp của gia đình ông Chấn nằm lọt sâu trong thôn Me. Gia đình ông chỉ còn một chiếc ti vi là tài sản đáng giá nhất. Sau 10 năm ông Chấn đi trại về, căn nhà xưa đã xác xơ tiêu điều. Tường vữa bong tróc loang lổ, giường tủ ọp ẹp, vườn tược bỏ hoang không ai chăm sóc. Nhìn mái nhà xưa mà ông không khỏi chạnh lòng.
Ngày ông đi trại, 4 đứa con vẫn còn quá nhỏ. Khi ông về nhà, hai con đã lập gia đình. Ông đã có bốn đứa cháu. Ông Chấn vô cùng luyến tiếc vì ngày cưới con, ông không được về làm lễ cưới cho con và được uống chén rượu mừng.
“Các con tôi khổ quá. Vì tiếng oan mà phải chịu bao thiệt thòi.", ông Chấn nghẹn ngào nói.
Ông Chấn kể, vì lý lịch xấu mà đứa con gái thứ 2 của ông năm nay 30 tuổi rồi vẫn chưa lập gia đình. Nay con gái của ông đang đi lao động ở Đài Loan. "Nó bảo nếu bố không được minh oan thì nó sẽ không về nước nữa", ông Chấn nói.
Trong căn buồng tối của căn nhà ngói cũ nát, ông Chấn ngồi bóp đầu, bóp tay cho vợ. Vợ ông bị ảnh hưởng thần kinh khá nặng nên ốm đau, bệnh tật liên miên từ này ông bị bắt đi.
“Anh thương em quá. Em đã khổ vì anh nhiều rồi” - Ông Chấn lại nhìn vợ và khóc.